Căn cứ Thông báo số 22232-TB/VPCP ngày 22/5/2024 của Văn phòng Tỉnh ủy về kết luận của Ban thường vụ Tỉnh ủy công tác phòng chống thiên tai, mưa lũ, sạt lở đất; Báo cáo số 815-BC/TU ngày 30/7/2024 của Tỉnh ủy về lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ tháng 7 và nhiệm vụ trọng tâm tháng 8 năm 2024. Để giảm thiểu các thiệt hại do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh, tập trung cho công tác ứng phó và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra trên địa bàn tỉnh trong thời gian tới, Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các Sở, ban, ngành; Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố; Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh; Báo Hòa Bình; Đài Khí tượng thủy văn Hòa Bình; Công ty Điện lực Hoà Bình; Công ty Thuỷ điện Hoà Bình; Công ty Cổ phần quản lý, bảo trì đường thuỷ nội địa số 9 chủ động triển khai, thực hiện một số nội dung sau:
Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc nội dung các văn bản chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh: Chỉ thị số 06/CT-UBND ngày 04/4/2024 Về việc tăng cường công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn; bảo đảm an toàn công trình thủy lợi, đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, phòng chống mưa lũ trên địa bàn tỉnh Hòa Bình năm 2024; Công điện số 10/CĐ-UBND ngày 25/7/2024 của UBND tỉnh về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 02 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh; Công điện số 16/CĐ-UBND ngày 05/8/2024 của UBND tỉnh về việc chủ động phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai trong thời gian tới; Công văn số 1424/SNN-TL ngày 31/5/2024 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra năm 2024.
Đối với Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố, chủ động thực hiện các nội dung:
Chủ động kiểm tra, rà soát các điểm xung yếu của hồ đập, đê, kè, trọng điểm về thiên tai, các khu vực có nguy cơ sạt lở ảnh hưởng đến khu vực dân cư, các khu vực sạt lở taluy ảnh hưởng đến giao thông. Từ đó triển khai các biện pháp phù hợp đảm bảo an toàn trước, trong và sau thiên tai. Phối hợp với các Sở, ngành có liên quan hoàn thiện phương án ứng phó đối với từng loại hình thiên tai có thể xảy ra trên địa bàn, nhất là phương án ứng phó bão, lũ lụt, sạt lở đất, lũ quét.
Phối hợp với Sở, ngành và các bên có liên quan trong công tác vận hành an toàn các hồ thủy lợi, thủy điện khi có mưa lũ lớn xảy ra nhằm đảm bảo an toàn cho công trình và vùng hạ du hồ chứa, góp phần cắt giảm lũ hạ du và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên. Từ đó, đảm bảo an toàn cho sản xuất nông nghiệp và công nghiệp. Hiện tại, các hồ chứa thủy lợi đã tích đủ nước, khi có mưa lũ lớn nước đã tự chảy qua tràn. Do vậy, để đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ du, đề nghị các địa phương phối hợp với Công ty TNHH MTV khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình tập trung, rà soát đánh giá mức độ an toàn của các công trình hồ, đập thủy lợi, triển khai phương án đảm bảo an toàn đập, hồ chứa và vùng hạ du, nhất là khi có mưa lũ lớn kéo dài. Từ đó, điều chỉnh phương án phòng chống thiên tai của các hồ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Tăng cường củng cố, kiện toàn đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã; tổ chức đào tạo, tập huấn cho đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã. Khi có thiên tai xảy ra, tập trung huy động lực lượng, phương tiện để tham gia công tác ứng phó thiên tai theo phương châm “bốn tại chỗ”.
Thực hiện tốt công tác khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra, triển khai kịp thời hỗ trợ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ gia đình có nguy cơ bị thiếu đói, bố trí chỗ ở tạm cho các hộ bị mất nhà cửa nhằm đảm bảo an toàn sau thiên tai.
Hiện tại, đã vào mùa lũ chính vụ năm 2024, diễn biến mưa lũ thất thường, Công ty thủy điện Hòa Bình thực hiện vận hành mở cửa xả lũ liên tiếp từ tháng 7 cho đến nay. Do vậy, để đảm bảo an toàn vùng hạ du đập thủy điện Hòa Bình khi Công ty thủy điện Hòa Bình mở cửa xả lũ, đề nghị Ủy ban nhân dân thành phố Hòa Bình thực hiện nghiêm túc các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và PTNT khi Công ty thủy điện Hòa Bình thực hiện đóng, mở cửa xả lũ; rà soát khu vực 2 bên bờ sông Đà phía hạ lưu để theo dõi, đánh giá tình hình sạt lở bờ sông, nhất là tại các khu vực trọng điểm; tăng cường công tác tuyên truyền thông tin xả lũ đến các tổ chức, cá nhân và người dân vùng hạ du; cắt cử lực lượng đảm bảo an toàn các khu vực bờ sông, bờ kè, thường xuyên nhắc nhở, có biện pháp không để người dân tắm sông và tụ tập, đứng tại các nơi nguy hiểm để quay phim, chụp ảnh.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Triển khai trực ban 24/7 theo dõi sát tình hình, diễn biến thiên tai, chủ động tham mưu cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo và đôn đốc các Sở, ngành có liên quan, đặc biệt là các địa phương kịp thời triển khai công tác phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai theo thẩm quyền và nhiệm vụ được giao.
Sở Công Thương: Chủ động, phối hợp với các địa phương chỉ đạo công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất công nghiệp, hệ thống điện, hồ thủy điện; đôn đốc địa phương thực hiện các phương án ứng phó đảm bảo an toàn vùng hạ du các đập thủy điện; yêu cầu các chủ hồ chứa thủy điện kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn, sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn hồ chứa, khu vực hạ lưu đập thủy điện; tiếp tục phối hợp với Ủy ban nhân dân thành phố và Công ty Thủy điện Hòa Bình trong công tác đảm bảo an toàn khi xả lũ hồ thủy điện Hòa Bình.
Sở Giao thông vận tải: Tiếp tục hướng dẫn, hỗ trợ các địa phương trong công tác tổ chức giao thông và bảo đảm an toàn giao thông tại các khu vực bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, kịp thời khắc phục sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt, nhất là trên các trục giao thông chính; chủ động triển khai lực lượng kiểm soát, hướng dẫn giao thông, đặc biệt giao thông qua các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết; chuẩn bị đẩy đủ vật tư, phương tiện để hỗ trợ công tác khắc phục sạt lở trên các tuyến đường.
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh: Chỉ đạo và tổ chức huy động các lực lượng, rà soát phương án, sẵn sàng triển khai lực lượng, phương tiện hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn, phòng thủ dân sự và khắc phục hậu quả thiên tai; đảm bảo công tác an ninh, trật tự trước trong và sau thiên tai xảy ra.
Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hòa Bình và các cơ quan thông tin đại chúng, tăng cường thời gian truyển thông, thông tin về diễn biến thời tiết đến các cấp chính quyền và người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó; Tăng cường phát các bản tin về hoạt động tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ quét, sạt lở đất và ngập úng để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu thiệt hại trên hệ thống thông tin, mạng xã hội.
Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình: Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị có liên quan, tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá mức độ tích nước của các hồ chứa; kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn của công trình, kịp thời phát hiện các nguy cơ mất an toàn đập, thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn hồ đập; vận hành các trạm bơm tiêu úng; xử lý hoặc đề xuất biện pháp xử lý các sự cố phát sinh.
Đài Khí tượng Thủy văn Hòa Bình tiếp tục nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo thiên tai, chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, sạt lở, sụt lún… bảo đảm độ tin cậy, sát với thực tế; cung cấp thông tin dự báo, cảnh báo kịp thời, chính xác, hiệu quả.
Các Sở, ngành và các đơn vị có liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ chủ động phối hợp với các địa phương triển khai các biện pháp ứng phó với thiên tai và các tình huống bất thường gây ra theo phương châm "bốn tại chỗ". Chỉ đạo và hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện phương án ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản.
Tổ chức trực ban nghiêm túc, báo cáo về Ủy ban nhân dân tỉnh qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Chi cục Thủy lợi, ĐT: 02183852309 email: thuyloihb@gmail.com), trước 15h00 hàng ngày hoặc khi có tình huống đột xuất, để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo quy định.
Yêu cầu các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan triển khai, thực hiện./.