DetailController

Thời sự trong ngày

Tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh

09/12/2022 00:00
Thực hiện 4 đột phá chiến lược, tỉnh tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tập trung rà soát, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù cho vùng, đẩy mạnh liên kết vùng nhằm khai thác tối đa tiềm năng, lợi thế của vùng và địa phương. Rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch quan trọng như các quy hoạch phân khu, quy hoạch vùng huyện và điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng các đô thị đã được điều chỉnh mở rộng.
Thực hiện 4 đột phá chiến lược, tỉnh ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước. Tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm nâng cao chỉ số cải cách hành chính của tỉnh năm 2023 và những năm tiếp theo gắn với Chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính (SIPAS), Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) của tỉnh. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách, cải cách hành chính nhất là thủ tục hành chính, nâng cao trách nhiệm cán bộ, công chức nhằm cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin. Tiếp tục triển khai xây dựng, phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh hiệu quả, thiết thực trong các cơ quan, địa phương, cơ sở, đảm bảo gắn kết chặt chẽ giữa ứng dụng công nghệ thông tin với cải cách hành chính. Nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông thông qua phần mềm điện tử một cửa tại Trung tâm phục vụ hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện; đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và mức độ 4 thực hiện trên địa bàn tỉnh. Triển khai thực hiện hiệu quả các nội dung thuộc Chương trình chuyển đổi số tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Phát triển nguồn nhân lực gắn với giải quyết việc làm, tăng năng suất lao động. Tiếp tục thực hiện tốt Đề án phát triển giáo dục nghề nghiệp giai đoạn 2021 - 2025. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp trong và ngoài nước; tăng cường gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; huy động các doanh nghiệp tham gia giáo dục nghề nghiệp. Đa dạng hoá các hình thức, các phương pháp dạy nghề phù hợp với đối tượng học nghề và yêu cầu sản xuất; phát triển mạnh các hình thức dạy nghề cho lao động nông thôn và chuyển dịch cơ cấu lao động, đáp ứng yêu cầu hiện đại hóa nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Đẩy mạnh công tác phân luồng, liên thông, liên kết đồng bộ giữa đào tạo với giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động. Phấn đấu đến cuối năm 2023, tuyển sinh đào tạo nghề khoảng 15.500 chỉ tiêu; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 60,6%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề có bằng cấp, chứng chỉ đạt 24,5%. Thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế trong đào tạo nguồn nhân lực cao. Tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng hiện đại, hội nhập quốc tế, gắn với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tích cực triển khai phân luồng giáo dục, gắn với đào tạo nghề và phát triển kỹ năng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông.

Ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2020 - 2025. Tập trung đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Triển khai thực hiện Kế hoạch phát triển đô thị tỉnh Hòa Bình đến năm 2025. Phấn đấu tỷ lệ đô thị hóa toàn tỉnh năm 2023 đạt 33,45%. Tiếp tục lồng ghép hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các công trình cấp nước sạch tập trung cho các xã, cụm xã, các khu đông dân cư. Khuyến khích xã hội hóa các công trình cấp nước, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ hoạt động của các cơ sở sản xuất. Chú trọng tạo nền tảng phát triển mạng lưới bưu chính theo hướng hạ tầng chuyển – phát, phát triển thương mại điện tử và kinh tế số; từng bước xây dựng hạ tầng viễn thông phục vụ chuyển đổi số quốc gia, chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4./.