DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tập trung thực hiện Đề án tái canh cây ăn quả có múi giai đoạn 2021-2025

09/08/2024 15:23
Thực hiện Quyết định số 2078/QĐ-UBND ngày 16/9/2021 về việc phê duyệt Đề án "Tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030", thời gian qua tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp nhằm củng cố, phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động tổ chức sản xuất của doanh nghiệp, hợp tác xã sản xuất cây có múi; tạo nguồn giống sạch bệnh; cải thiện độ phì, kết cấu đất trồng và tạo quỹ đất sạch nguồn sâu bệnh phục vụ tái canh cây có múi; xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ tổ chức sản xuất đáp ứng mục tiêu tái canh; đẩy mạnh đầu tư vào chế biến nông sản, chuyển dịch cơ cấu, đa dạng hóa sản phẩm.

Thực hiện đề án, UBND tỉnh đã xây dựng trình Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị Quyết số 237/2023/NQ-HĐND ngày 07/04/2023 Quy định chính sách hỗ trợ xây giống để thực hiện tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2023-2025. Hiện đang triển khai thực hiện các thủ tục hỗ trợ cây giống cam với diện tích 42,306 ha cho 115 hộ dân đăng ký trồng năm 2024. Xây dựng, ban hành Quy trình tạm thời tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình (Quyết định số 295/QĐ-SNN ngày 12/6/2023 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Quy trình áp dụng cho việc cải tạo đất, trồng tái canh cây ăn quả có múi và phục hồi các vườn cây hiện có; trong đó tập trung vào việc quản lý các đối tượng sinh vật hại ở phần bộ rễ của CCM gồm rệp sáp, tuyến trùng ký sinh, nấm Fusarium và nấm Phytophthora phục vụ trồng tái canh và phục hồi vườn cây bị hiện tượng vàng lá thối rễ do các tác nhân nêu trên gây ra.

Hiện nay, đang triển khai Mô hình cánh đồng mẫu tái canh cây cam tại huyện Cao Phong với quy mô 13,98 ha gồm có 32 hộ, 33 vườn, các hộ tự nguyên tham gia thực hiện mô hình. Mô hình áp dụng các giải pháp kỹ thuật xử lý, cải tạo đất, tạo quỹ đất an toàn phục vụ trồng tái canh cây cam. Đã lấy 165 mẫu/33 vườn, phân tích mật độ nấm Fusarium spp., Phytophthora spp., Tuyến trùng ký sinh, rệp sáp; các hộ tham gia được tập huấn về kỹ thuật xử lý đất, kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ dịch hại trên cây cam; hỗ trợ cây giống sạch bệnh, chế phẩm xử lý đất, phân bón. Bên cạnh đó, đã xây dựng và ban hành 14 Tiêu chuẩn cơ sở (TCCS) chất lượng cây đầu dòng, vườn cây đầu dòng cây ăn quả lâu năm gồm các giống cây trồng: cam CS1, cam Marrs (BH), cam Canh, cam Xã đoài lùn, cam Xã đoài cao, quýt Hà Giang, quýt Ôn châu, cam V2, bưởi đỏ Hòa Bình, bưởi da xanh, bưởi Diễn, cam Sông Con, quýt Nam Sơn, Quýt Miền Đồi. Hiện tổng số cây đầu dòng cây có múi được công nhận còn hiệu lực khai thác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình là 227 cây bao gồm: 165 cây cam; 50 cây quýt; 12 cây bưởi (bưởi đỏ Hòa Bình). Vận hành hệ thống nhà lưới 3 cấp tại Trung tâm giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản hoạt động ổn định đáp ứng theo tiêu chuẩn quốc gia về sản xuất cây giống sạch bệnh. Hiện đang lưu giữ 98 cây S0; 120 cây S1 các giống cây có múi. Trong năm 2023 đã sản xuất được 30.000 cây S2 phục vụ tái canh vùng cam Cao Phong. Nếu vận hành hết công xuất, mỗi năm hệ thống nhà lưới này có thể sản xuất 120.000 cây giống/năm đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật, sạch bệnh, đủ đáp ứng nhu cầu trồng tái canh của cả tỉnh. Các dự án hạ tầng phát triển sản xuất vùng cam an toàn tập trung tại huyện Cao Phong cơ bản đã hoàn thành trên 95%; Huyện Cao Phong tiếp tục quy hoạch và nâng cấp đường nội đồng tại khu vực cánh đồng mẫu tái canh đảm bảo lưu thông, vận chuyển và cơ giới hóa được thuận lợi.

Để đạt được mục tiêu đề án, thời gian tới tiếp tục hoàn thành Mô hình Cánh đồng mẫu tái canh cây cam tại huyện Cao Phong. Trên cơ sở kết quả thực hiện Mô hình, hoàn thiện ban hành Quy trình tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Tiếp tục triển khai chính sách hỗ trợ cây giống để thực hiện tái canh cây cam trên địa bàn huyện Cao Phong giai đoạn 2023-2025. Tiếp tục tổ chức khai thác nguồn vật liệu nhân giống sạch bệnh từ vườn giống 3 cấp (các giống cam, quýt); từ các cây đầu dòng được công nhân đảm bảo đủ nguồn giống phục vụ Đề án. Chuẩn bị nguồn vật liệu nhân giống đối với các giống bưởi chủ lực (Bưởi Đỏ Hòa Bình, Bưởi Diễn, Bưởi Da xanh). Xây dựng định mức Kinh tế kỹ thuật khuyến nông tái canh cây ăn quả có múi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Xây dựng kế hoạch triển khai tái canh cây ăn quả có múi tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2026-2030. Lập hồ sơ đề nghị cây di sản bưởi đỏ Hòa Bình./.