DetailController

Tin từ các đơn vị

Tập trung thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 – 2023 trên địa bàn tỉnh

26/08/2022 00:00
Ngày 26/8/2022, UBND ban hành Chỉ thị số 15/CT-UBND về nhiệm vụ trọng tâm năm học 2022 – 2023 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Ngành Giáo dục xác định chủ đề năm học 2022 - 2023 là “Đoàn kết, sáng tạo, ra sức phấn đấu hoàn thành tốt các nhiệm vụ và mục tiêu đổi mới,củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo". Để hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu:

Sở Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quy định về phân cấp quản lý, tổ chức triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 1112/CT-BGDĐT ngày 19/8/2022 của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và tập trung thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Tổ chức nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ đáp ứng yêu cầu của chương trình giáo dục mầm non trong điều kiện mới. Nâng cao chất lượng thực hiện chuyên đề “Xây dựng trường mầm non lấy trẻ làm trung tâm giai đoạn 2021 - 2025” và Đề án “Tăng cường chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ mầm non và học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025”. Phát triển mạng lưới trường, lớp mầm non phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của địa phương, đáp ứng đa dạng nhu cầu đến trường của trẻ em; quan tâm phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn và vùng có khu công nghiệp. Củng cố, duy trì và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi, khuyến khích các địa phương có điều kiện thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo. Tăng cường quản lý, hỗ trợ nâng cao chất lượng nhóm, lớp độc lập tư thục. 

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đối với lớp 3, lớp 7, lớp 10; nâng cao chất lượng biên soạn, thẩm định tài liệu giáo dục địa phương; tăng cường các điều kiện đảm bảo triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Củng cố, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở. Chú trọng đổi mới công tác quản lý, quản trị trường học theo hướng phát huy tính chủ động, linh hoạt của nhà trường và năng lực tự chủ, sáng tạo của tổ chuyên môn, giáo viên trong việc thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông. Tăng cường phối hợp giữa nhà trường, cha mẹ học sinh và các cơ quan, tổ chức có liên quan tại địa phương trong quá trình thực hiện kế hoạch giáo dục của nhà trường. Thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 50-CT/TU ngày 04/01/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông và Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 21/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông Dân tộc nội trú nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2021 - 2025.

Triển khai thực hiện chương trình giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở và cấp trung học phổ thông chất lượng, hiệu quả. Xây dựng kế hoạch về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông theo hướng mở. Đa dạng hóa nội dung chương trình, tạo điều kiện cho người dân được học tập liên tục, suốt đời. Tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 25/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030 và Quyết định số 1373/QĐ-TTg ngày 30/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021 - 2030”.

Bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục và đáp ứng nhu cầu học tập của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn và các đối tượng chính sách khác. Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ và giáo dục sau biết chữ cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là phụ nữ dân tộc thiểu số. Quy hoạch xây dựng mô hình trường, lớp chuyên biệt và bán chuyên biệt để đáp ứng quyền được học tập của người học là người khuyết tật, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023; triển khai sớm công tác chuẩn bị để bảo đảm các điều kiện thực hiện cho Kỳ thi ở các năm sau phù hợp với lộ trình triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Tiếp tục đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục và đào tạo theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, hiệu lực, hiệu quả, bảo đảm vai trò kiến tạo để phát triển giáo dục. Xây dựng và triển khai kế hoạch năm học 2022 - 2023chủ động, linh hoạt để thích ứng với tình hình thiên tai, dịch bệnh, vừa đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, vừa củng cố và nâng cao chất lượng giáo dục. Xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục đảm bảo đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, đạt chuẩn về trình độ đào tạo, có phẩm chất đạo đức tốt, có chuyên môn, nghiệp vụ vững vàngđáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục và đào tạo. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư cho giáo dục. Ưu tiên đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học tối thiểu bảo đảm thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội hóa đầu tư trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Tăng cường chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong giáo dục và đào tạo; tăng cường các điều kiện đảm bảo về hạ tầng kỹ thuật và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học trực tuyến và trong công tác kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục. …