Để đạt mục tiêu đó, tỉnh đã tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch theo quy định. Đến nay, tỉnh Hòa Bình Quy hoạch tỉnh Hoà Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1648/QĐTTg và được công bố vào ngày 22/01/2024. Trên cơ sở Quy hoạch tỉnh, UBNC tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan tiếp tục rà soát, điều chỉnh và lập các đồ án quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu; đồng thời thực hiện quy định phân cấp tổ chức lập quy hoạch chung đô thị mới có quy mô dân số dự báo tương đương đô thị loại III trở lên. Đẩy nhanh tiến độ lập, trình thẩm định, phê duyệt các đồ án quy hoạch trên địa bàn các xã, huyện, thành phố.
Công tác cải cách hành chính được đẩy mạnh, đảm bảo triển khai linh hoạt, toàn diện, từng bước đáp ứng nhu cầu của người dân, doanh nghiệp và các tổ chức, cá nhân. Chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ năm 2023 của các Sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố được công bố. Qua đó, kịp thời cung cấp thông tin, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo điều hành thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính trên địa bàn tỉnh như: Kế hoạch hoạt động năm 2024 của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình; Kế hoạch thông tin, tuyên truyền cải cách hành chính; Kế hoạch kiểm tra cải cách hành chính năm 2024,… Đây là cơ sở để triển khai, đồng thời tăng cường hiệu quả và hiệu lực của công tác quản lý, phục vụ tốt hơn cho nhu cầu và quyền lợi của người dân cũng như sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Hoạt động của Trung tâm phục vụ Hành chính công cấp tỉnh và cấp huyện hoạt động ổn định, phát huy hiệu quả tích cực, giúp cho các tổ chức, cá nhân có môi trường thân thiện, thuận lợi nhất, tiết kiệm chi phí tối đa nhất khi thực hiện giải quyết thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước. Ngoài ra, tỉnh đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án Chuyển đổi số tỉnh giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030.
Phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, phát triển nguồn nhân lực là nhiệm vụ quan trọng, xuyên suốt của tỉnh. Nhằm cụ thể hóa Đề án số 04-ĐA/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo gắn với đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao giai đoạn 2021-2025; hàng năm, UBND tỉnh tổ chức “Hội thi Tìm kiếm sáng kiến cải cách hành chính tỉnh Hòa Bình”; tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Đổi mới sáng tạo và Sở hữu trí tuệ thế giới và phát động Giải thưởng Sáng tạo KH&CN Việt Nam. Đồng thời, tập trung nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông; nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông dân tộc nội trú nhằm tạo nguồn nhân lực chất lượng cao là người dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Kết quả các năm gần đây cho thấy chất lượng dạy và học đã có sự tiến bộ và đạt được kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục khẳng định, số lượng học sinh đạt thành tích trong các kỳ thi quốc gia và khu vực ngày càng tăng. Trong tháng 4/2024, UBND tỉnh cũng đã ban hành Quyết định số 07/2024/QĐ-UBND Quy định danh mục nghề, mức chi phí đào tạo và mức hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, đào tạo dưới 3 tháng trên địa bàn tỉnh. Kết quả tuyển sinh đào tạo 6 tháng đầu năm 2024 ước đạt 4.616 người; trong đó, trình độ Sơ cấp là 3.240 người; dạy nghề thường xuyên dưới 3 tháng là 1.376 lượt người.
Xác định vai trò của kết cấu hạ tầng gắn với sự phát triển kinh tế- xã hội trong tỉnh, UBND tỉnh đã chỉ đạo huy động các nguồn lực để hoàn thiện hạ tầng kinh tế. Đặc biệt ưu tiên là giao thông đường bộ và hạ tầng kỹ thuật bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu; phát triển hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia,... Thường xuyên quan tâm, tháo gỡ khó khăn vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm của tỉnh như: Dự án đầu tư xây dựng đường Hoà Lạc - Hoà Bình theo phương thức PPP; Dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19+000 - Km53+000 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình), Dự án Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), Dự án Đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1), Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ kết nối với Quốc lộ 6 và một số dự án công trình giao thông khác. Thực hiện phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật, phê duyệt dự án, thiết kế bản vẽ thi công và dự toán các dự án công trình giao thông đảm bảo tuân thủ các quy trình quy phạm chuyên ngành và các chế độ chính sách của nhà nước. Tăng cường công tác quản lý và khai thác kết cấu hạ tầng giao thông. Cùng với công tác quản lý đầu tư xây dựng, quản lý và bảo trì kết cấu hạ tầng giao thông tiếp tục được chú trọng; tỉnh thường xuyên duy tu bảo dưỡng đảm bảo cho các tuyến đường trên địa bàn tỉnh được thông suốt, đi lại thuận tiện.
Đến nay, việc thực hiện 4 khâu đột phá chiến lược của tỉnh Hòa Bình đã đạt được kết quả tích cực, đi đúng định hướng và phù hợp với điều kiện địa phương. Từ đó, góp phần quan trọng trong thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phát triển tỉnh Hòa Bình nhanh và bền vững./.