DetailController

Khoa học - Môi trường

Tập trung thi công các điểm sạt lở trên quốc lộ 6

07/12/2012 00:00
Dự án kiên cố hóa, khắc phục tình trạng sạt lở mái ta-luy đoạn km 78+300 đến km 153 trên tuyến quốc lộ 6 đoạn qua tỉnh Hòa Bình đang được nhà thầu thi công khẩn trương bảo đảm đúng tiến độ đề ra. Sau khi dự án hoàn thành, nguy cơ sạt lở đất đá trên tuyến giao thông huyết mạch lên Tây Bắc cơ bản sẽ được khắc phục, bảo đảm an toàn cho người và phương tiện khi lưu thông.

Theo Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình, tuyến quốc lộ 6 là tuyến giao thông huyết mạch nối Thủ đô Hà Nội với các tỉnh Tây Bắc. Sau khi đưa vào khai thác đoạn từ km 78+300 đến km 153 có chiều dài 76 km qua địa phận tỉnh Hòa Bình gồm dốc Cun, dốc Má, dốc Cơm, dốc Quy Hậu, đèo Thung Khe, Thung Nhuối...  ở đây thường xuyên xảy ra sạt lở và trơn trượt. Ðặc biệt là tình trạng sạt lở cục bộ đất đá từ mái ta-luy dương xuống mặt đường không những ảnh hưởng đến việc đi lại của tuyến đường này mà còn cướp đi tính mạng của nhiều người tham gia giao thông. Thời gian qua, Sở Giao thông vận tải Hòa Bình đã thành lập các đoàn kiểm tra những vị trí xung yếu, qua kiểm tra, đã phát hiện trên tuyến đường này có khoảng 32 điểm có nguy cơ sạt lở cao. Nếu xảy ra sạt lở sẽ kéo theo hàng triệu m3 đất, đá từ ta-luy dương xuống đường, gây nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Trước tình hình này, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý đầu tư công trình kiên cố hóa để khắc phục tình trạng sạt lở đoạn từ km 78+300 đến km 153 đoạn qua tỉnh Hòa Bình trong năm 2012 và thực hiện việc đầu tư theo lệnh khẩn cấp. Phó Giám đốc Ban Quản lý các dự án công trình giao thông (Sở Giao thông vận tải tỉnh Hòa Bình) Nguyễn Thái Sơn cho biết, thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, hiện nay Sở Giao thông vận tải Hòa Bình đang tiến hành thực hiện dự án, trong đó tập trung vào 12 điểm xung yếu nhất, nhằm hạn chế nguy cơ mất an toàn giao thông trong mùa mưa lũ năm nay và các năm sau. Theo đó, chủ đầu tư là Sở Giao thông vận tải Hòa Bình, nhà thầu thi công là Công ty cổ phần đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn, nguồn vốn đầu tư từ vốn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2012 là 623,5 nghìn tỷ đồng.

Do khối lượng công việc nhiều, địa hình, thời tiết phức tạp, phải bảo đảm yêu cầu khắt khe về thời gian cũng như các yêu cầu kỹ thuật, tổ chức thi công, an toàn giao thông, ngay sau khi được phê duyệt, chủ đầu tư, nhà thầu, các đơn vị liên quan đã tập trung cao độ triển khai xử lý các vị trí, điểm nguy cơ sạt lở được phê duyệt. Ðể tập trung thi công, phấn đấu hoàn thành dự án đúng tiến độ, Công ty cổ phần đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn tập trung phương tiện, máy ủi, máy xúc, xe tải triển khai thi công các điểm đã được cấp phép. Trưởng ban điều hành dự án (Công ty cổ phần đầu tư năng lượng xây dựng thương mại Hoàng Sơn) Phạm Ðức Việt cho biết: Ðến thời điểm này, hồ sơ đã được phê duyệt toàn bộ 12 điểm, công ty đã có giấy phép thi công tám điểm và đang đồng loạt triển khai. Bốn điểm còn lại, công ty vừa hoàn thiện hồ sơ thiết kế, bản vẽ thi công đã được phê duyệt, đang làm thủ tục xin cấp giấy phép thi công. Trong 12 điểm có bốn điểm được bàn giao mặt bằng từ cuối tháng 8, đầu tháng 9, hiện tại khối lượng cơ bản thi công đã đạt được kế hoạch. Bốn điểm tiếp theo vừa được bàn giao mặt bằng, công ty đã tập kết máy móc thiết bị, tiến hành thi công đường tránh, nhà công vụ, các hệ thống an toàn giao thông. Ở tám điểm đang thi công, công ty đã huy động 80 ô-tô, máy xúc, máy khoan và 170 cán bộ, công nhân tham gia.

Tại điểm Quy Hậu, huyện Tân Lạc, đoạn km 98+050 có đỉnh cao hơn so với mặt đường từ 60 đến 80 m, năm nào cũng xảy ra sạt lở lớn, gây ách tắc giao thông, đơn vị thi công đang khắc phục khó khăn về mặt bằng, hiện trường, nổ mìn, vận chuyển đất đá và bảo đảm giao thông. Các giải pháp thi công được thực hiện nghiêm ngặt theo thiết kế như đến nay, điểm này đã hoàn thành thi công xong đường lên núi, gia cố các mái cơ bản đã xong, phần đào nền đã đạt 70% khối lượng. Tại các điểm km 111+850 phần đào nền đã xong đang tiến hành gia cố; điểm km 124 và 125+400 đang triển khai thi công khoan nổ và đào mái ta-luy chuẩn bị gia cố mái.

Khó khăn nhất trong thi công là do đặc thù của dự án triển khai trên quốc lộ đang khai thác và là tuyến đường huyết mạch của Tây Bắc nên mật độ phương tiện tham gia giao thông lớn. Trong quá trình thi công, nhà thầu phải vừa bảo đảm tiến độ vừa bảo đảm an toàn cũng như tính mạng cho người tham gia giao thông, chỉ được cấm đường 3 giờ/ngày. Hơn nữa, do địa hình hiểm trở, hiện tượng đá lăn, đá lở thường xuyên xảy ra, mặt đường thi công chật hẹp; thời tiết xấu, sương mù dày đặc cũng là nguyên nhân gây khó khăn cho nhà thầu. Ðể khắc phục tình trạng này, Công ty đặc biệt chú trọng công tác bảo đảm an toàn giao thông, luôn cắt cử người trực 24/24 giờ để hướng dẫn, phân luồng cho các phương tiện tham gia giao thông.

Ðể bảo đảm đúng kế hoạch đề ra hiện nay, chủ đầu tư, nhà thầu và chính quyền các địa phương đang nỗ lực triển khai dự án, chủ đầu tư thường xuyên phối hợp hội đồng đền bù, tái định cư của địa phương nhằm triển khai kịp thời công tác giải phóng mặt bằng; tái định cư ở các huyện có vị trí xử lý sạt lở, vận động nhân dân bàn giao mặt bằng cho đơn vị thi công. Thường xuyên kiểm tra hiện trường để giải quyết các vướng mắc nảy sinh, đôn đốc tư vấn giám sát  và nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công. Phối hợp chặt chẽ với chính quyền các huyện trên địa bàn có phương án phân luồng, xứ lý kịp thời các sự cố, bảo đảm giao thông thông suốt và an toàn thi công.