DetailController

Khoa học - Môi trường

Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa và cây trồng vụ Xuân 2022

21/04/2022 00:00
Ngày 19/4/2022, Sở NN&PTNT ban hành Công văn số 964 gửi UBND các huyện, thành phố về việc tập trung phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa và cây trồng vụ Xuân 2022.
Tập trung chăm sóc tốt cho cây trồng nhằm đảm bảo năng suất, chất lượng sản phẩm

Theo báo cáo của ngành NN&PTNT, vụ Xuân năm 2022, toàn tỉnh gieo cấy 16.858 ha lúa, đạt 108,5% kế hoạch. Hiện lúa trà sớm giai đoạn ôm đòng - trỗ bông; trà chính vụ đứng cái - phân hóa đòng; trà muộn cuối đẻ nhánh. Diện tích cây màu đã gieo trồng xong đảm bảo trong khung thời vụ. Cây ăn quả có múi, nhãn, vải đang phát triển quả. Theo báo cáo của cơ quan chuyên môn hiện nay toàn tỉnh đã có 725ha lúa nhiễm bệnh vàng lá; 9,0ha nhiễm bệnh đạo ôn lá; 10,0ha nhiễm bệnh bạc lá...; diện tích này đang có xu hướng tăng nhanh nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả; ngoài ra một số đối tượng sâu bệnh hại khác như rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột hại, sâu cuốn lá nhỏ, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn...cũng đang xuất hiện và có khả năng gây hại mạnh trong thời gian tới.

Để bảo vệ tốt các trà lúa, cũng như cây trồng vụ Xuân năm 2022 nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị UBND các huyện, thành phố chỉ đạo cơ quan chuyên môn cấp huyện tăng cường bám sát cơ cơ để chỉ đạo sản xuất, khuyến cáo và hướng dẫn nông dân kiểm tra đồng ruộng, điều tra, theo dõi diễn biến mật độ, tỷ lệ hại các đối tượng sâu, bệnh hại chính tại từng thời điểm để phát hiện các ổ dịch sâu bệnh và xử lý theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn. Thực hiện thông báo tình hình sinh vật gây hại định kỳ hàng tuần theo quy định; chủ động phối hợp, trao đổi thông tin, báo cáo trong công tác chỉ đạo phòng trừ sinh vật gây hại trên cây trồng với Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình.

Với những đối tượng trên lúa như rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh bạc lá, bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh khô vằn...  cần chủ động phòng trừ theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn, tuyệt đối không để sâu, bệnh bùng phát thành dịch ảnh hưởng đến năng suất.

Với cây màu: Theo dõi đối tượng sâu keo mùa thu gây hại trên diện tích trồng ngô rải vụ, không tập trung; Sâu khoang, bệnh lở cổ rễ, vàng lá sinh lý trên vùng chuyên canh lạc, hại mạnh giai đoạn cây con - phân cành; Bệnh héo xanh, bệnh khảm lá virus, bệnh phấn trắng, bệnh sương mai, bệnh lở cổ rễ, bọ trĩ, bọ bầu vàng, sâu xanh, sâu khoang, sâu đục quả gây hại trên rau.

Đối với bệnh khảm lá hại sắn thực hiện nghiêm túc nhiệm vụ Ủy ban nhân dân tỉnh đã giao tại công văn số 2370/UBND-KTN, ngày 09/12/2021 Vv thực hiện quyết liệt các biện pháp ngăn chặn bệnh khảm lá hại sắn; công văn số 913/SNN-TTBVTV, ngày 14/4/2022 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn V/v quyết liệt ngăn chặn bệnh khảm lá hại sắn.

Đối với cây ăn quả có múi: Áp dụng các biện pháp thâm canh bền vững, thực hiện tốt các quy định về môi trường trong sử dụng phân bón, hóa chất và xử lý chất thải nông nghiệp.

Đối với cây mía: Chăm sóc, bón đầy đủ, cân đối các loại phân theo quy trình. Mở rộng diện tích trồng mía tím có sử dụng giống nuôi cấy mô hoặc sử dụng hom giống từ những vườn được nhân giống từ giống nuôi cấy mô (với cây mía tím nên duy trì ở mức 2.000-2.500 ha.

Phối hợp với cơ quan truyền thông, thông tin kịp thời về tình hình sâu bệnh hại trên lúa và cây trồng vụ Xuân tại các khu vực cụ thể để nông dân biết và chủ động các biện pháp phòng chống kịp thời, hiệu quả. Trong những trường hợp cần thiết, đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động trích ngân sách dự phòng để hỗ trợ vật tư, phương tiện giúp nông dân phòng trừ những đối tượng sâu, bệnh nguy hại, tránh lây lan bùng phát trên diện rộng.

Yêu cầu các đơn vị thuộc Sở, căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp trong công tác phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa và cây trồng vụ Xuân, đảm bảo cây trồng phát triển tốt./.