DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Tập trung phòng trừ sâu bệnh hại trên lúa cuối vụ Xuân 2023

04/05/2023 17:30
Vụ Xuân năm 2023, toàn tỉnh gieo cấy 16.297 ha lúa. Hiện lúa trà sớm giai đoạn chắc xanh - chín sáp; trà chính vụ đòng già-trỗ; trà muộn đứng cái - ôm đòng. Hiện nay toàn tỉnh đã có 71,6 ha nhiễm bệnh đạo ôn lá; 51,0 ha nhiễm bệnh khô vằn; 2,0ha nhiễm rầy...; diện tích này đang có xu hướng tăng nhanh có khả năng gây hại mạnh trong thời gian tới nếu không có biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả.

Theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, thời tiết tại các tỉnh Bắc bộ trong thời gian tới sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp, khả năng có 4 - 6 đợt không khí lạnh kèm theo hiện tượng thời tiết cực đoan (mưa phùn, lốc xoáy...). Đây là điều kiện thời tiết thuận lợi cho bệnh đạo ôn cổ bông, bệnh khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, chuột hại...tiếp tục phát sinh và gây hại trên các trà lúa. Để bảo vệ tốt các trà lúa từ nay đến cuối vụ nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do sâu bệnh hại gây ra, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật hướng dẫn một số biện pháp quản lý với một số đối tượng sâu bệnh hại chính:

Bệnh đạo ôn cổ bông: Theo dõi sát diễn biến của thời tiết để hướng dẫn và chỉ đạo phòng chống, nhất là tại những vùng có nguy cơ cao (giống nhiễm, những diện tích đã nhiễm bệnh đạo ôn lá, những diện tích thường nhiễm bệnh nặng trong các năm trước). Thực hiện tốt các biện pháp phòng trừ tại công văn số 123/TTBVTV-NVCM ngày 04/4/2023 của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật về việc chủ động phòng trừ bệnh đạo ôn hại lúa vụ Xuân năm 2023.

Rầy nâu, rầy lưng trắng: Theo dõi sát diễn biến phát sinh của rầy nâu, rầy lưng trắng trên các trà lúa, nhất là các trà lúa đang trong giai đoạn ngậm sữa - đỏ đuôi; tổ chức phòng chống kịp thời những diện tích có mật độ cao 1500-2000 con/m2 ngay từ khi xuất hiện rầy cám (rầy tuổi 1 - 3) bằng các loại thuốc đặc hiệu như: Nibas 50EC; Mopride 20WP; Bassa 50EC, Virtako 40WG, Mofitox 40EC hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ rầy. Phun theo nồng độ, liều lượng khuyến cáo ghi trên bao bì. Thời điểm phòng trừ: Với những diện tích rầy hiện tại tuổi 1-3 tập trung phun từ nay đến 05/5/2023; Với những diện tích rầy hiện tại trưởng thành – trứng tập trung phun trừ rầy từ 5/5 – 15/5/2023.

Sâu cuốn lá nhỏ: Theo dõi chặt chẽ diễn biến của sâu cuốn lá nhỏ lứa 3 trên những diện tích lúa muộn (cấy sau 5/02/2023) đang trong giai đoạn phát triển đòng-ôm đòng, tổ chức chỉ đạo phòng trừ trên diện tích lúa có mật độ sâu cao từ 20-50con/m2 khi sâu tuổi 1-3, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như: Goldmectin 36EC, Mectinstar 20EC, Emalusa 50,5WSG; Tango 800WG; Dupont- Prevathon 5SC; Radiant 60SC; Catex 1.8EC;... hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ sâu cuốn lá nhỏ hại lúa; Phun theo nồng độ, liều lượng hướng dẫn trên bao bì. Thời điểm phòng trừ: Với những diện tích lúa muộn giai đoạn đứng cái - ôm đòng, tập trung phun từ 28/4 đến 10/5/2023.

Bệnh lùn sọc đen trên lúa đã xuất hiện tại các tỉnh lân cận như Thái Bình, Nam Định, Lai Châu... khả năng cao sẽ xuất hiện và gây hại trên trên địa bàn tỉnh Hòa Bình trong vụ Mùa 2023. Để hạn chế thấp nhất bệnh lùn sọc đen phát sinh gây hại, cần tiếp tục theo dõi bẫy đèn, giám sát chặt chẽ rầy lưng trắng di trú ngay từ cuối vụ Xuân đến đầu vụ Mùa, thu mẫu rầy vào đèn và trên đồng ruộng để giám định virus lùn sọc đen. Tiến hành thu mẫu rầy.

Chuột hại: Dự báo thời tiết nắng nóng, ít mưa kéo dài từ nay đến hết vụ là điều kiện rất thuận lợi để quần thể chuột phát triển và gây hại mạnh trên lúa và cây trồng khác. Do đó, các địa phương cần tiếp tục phát động nông dân tích cực tham gia diệt chuột đồng loạt trong suốt cả vụ bằng nhiều biện pháp tuỳ thuộc vào từng giai đoạn sinh trưởng cây lúa và địa hình. Thời điểm phòng trừ: Đợt 1, từ nay - 5/5, khi lúa ôm đòng - trỗ bông; Đợt 2, từ ngày 5/6-5/7, sau khi thu hoạch lúa và cây màu vụ Xuân, trong giai đoạn làm đất gieo cấy vụ mùa (khi trắng đồng).

Bệnh khô vằn tiếp tục phát sinh gây hại nặng làm nghẹn đòng, khô lá, hạt lép lửng, dễ đổ rạp sau các đợt mưa. Có thể sử dụng một số loại thuốc như Anvil 5SC; Validacin 5L; Rovral 50WP... hay những thuốc khác có danh mục được sử dụng tại Việt Nam có đăng ký trừ đối tượng này./.