DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Tập trung phòng trừ các đối tượng gây hại trên cây trồng

15/04/2013 00:00
Hiện nay, các loại cây trồng vụ đông xuân 2012-2013 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang sinh trưởng và phát triển tốt. Tuy nhiên, nhiều diện tích lúa, cây màu ở các địa phương đang bị các đối tượng gây hại nguy cơ làm giảm năng suất, chất lượng cây trồng khi vào kỳ thu hoạch.

 Theo ông Nguyễn Hồng Yến, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Hòa Bình, đến nay lúa đông xuân trên địa bàn đang sinh trưởng phát triển tốt, trong đó trà sớm đang trong thời kỳ ôm đồng; trà chính vụ đang phân hóa đòng; trà muộn cuối đẻ nhánh, đứng cái. Ngô trà sớm đang trỗ cờ, phun râu; chính vụ xoáy nõn, trà muộn 4 - 6 lá; bầu bí trà sớm phát triển quả, đại trà ra hoa – để quả, trà muộn phát triển thân lá. Tuy nhiên, theo kiểm tra, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có gần 600 ha các loại cây trồng bị các loại sâu bệnh gây hại. Trong đó, chuột gây hại ở 215 ha, bọ xít đen 200 ha, bệnh nghẹt rễ 110 ha, sâu xám 56 ha…chủ yếu ở các huyện Kỳ Sơn, Lương Sơn, Tân Lạc, Mai Châu và Yên Thủy.

Trong đó, tập đoàn rầy (nâu, lưng trắng, nâu nhỏ) như rầy cám lứa 2 tiếp tục rộ, hại phổ biến trên trà sớm và chính vụ. Mật độ phổ biến 100-300 con/m2, cao 700-900 con/m2 tại huyện Kỳ Sơn và TP Hòa Bình, rầy phổ biến tuổi 1-3. Bên cạnh đó, bệnh đạo ôn cũng xuất hiện và gây hại nhưng ở diện hẹp trên các giống BC15, Khang dân, CR203, Đài Bắc 8, nếp, tỷ lệ hại phổ biến 1-3% số lá, cao 5-7% số lá tại huyện Kỳ Sơn, bệnh phổ biên cấp 1-3; bệnh lùn sọc đen hại diện hẹp, cục bộ từng ruộng trên các giống nhiễm rầy, tỷ lệ hại 0,5-3% số dảnh, số khóm tại huyện Kỳ sơn. Sâu cuốn lá nhỏ lứa 2 mật độ phổ biến 0,5-1 con/m2, cao 3-7 con/m2 tại huyện Cao Phong và Mai Châu, sâu tuổi 2-4, nhiều nơi trưởng thành tiếp tục vũ hóa và đẻ trứng như huyện Kim Bôi, Lạc Thủy, Mai Châu, Cao Phong, TP Hòa Bình. Sâu đục thân bướm 2 chấm tỷ lệ hại phổ biến 0,1-0,5% số dảnh, cục bộ từng ruộng 3-5% số dảnh ở TP Hòa Bình sâu tuổi 4,5- nhộng. Bệnh khô vằn hại diện hẹp, cục bộ từng ruộng trên trà sớm và chính vụ, giống nhiễm, vùng ổ bệnh cũ, tỷ lệ hại 5-7% số dảnh, cao 10-15% như huyện Kỳ Sơn, bệnh cấp 1-3. Bệnh vàng lá do thiếu dinh dưỡng và ngộ độc hữu cơ hại diện hẹp, cục bộ từng ruộng, tỷ lệ hại 1-5% số khóm ở TP Hòa Bình, Tân Lạc, Mai Châu, bệnh cấp 1-3. Chuột tỷ lệ hại phổ biến 1-5% số dảnh, cao 7-10% số dảnh tại huyện Lạc Sơn, Lạc Thủy, Kỳ Sơn, Lương Sơn. Bệnh nghẹt rễ hại cục bộ trên trà muộn, những ruộng chăm sóc kém, ruộng thiếu lân, tỷ lệ hại phổ biến 1-3% số khóm, cao 20-30% số khóm. Bọ xít đen mật độ phổ biến 1-3 con/m2, cục bộ từng ruộng 15-20 con/m2 tại Lạc Sơn, bọ xít trưởng thành...

Trên cây ngô, sâu đục thân hại hại cục bộ tỷ lệ hại 0,5-1% sô cây tại huyện Lạc Sơn, sâu tuổi 2-3; sâu xám tỷ lệ hại phổ biến 0,1-0,5% số cây, có ruộng 2-3% số cây ở TP Hòa Bình, Lạc Thủy, Lương Sơn, sâu nhộng, tuổi 2. Bệnh khô vằn xuất hiện gây hại tỷ lệ hại 5-7% số lá; bệnh đốm lá hại cục bộ từng ruộng, tỷ lệ hại 8-10% số lá; chuột tỷ lệ hại 1-3% số cây tại Lương Sơn. Đối với cây rau màu các loại đã xuất hiện bọ nhảy mật độ phổ biến 1-5 con/m2, bọ trưởng thành; sâu xanh, sâu khoang mật độ phổ biến 1-3 con/m2; sâu tơ mật độ 1-4 con/m2; rệp tỷ lệ hại phổ biến 1-3% số cây; bệnh phấn trắng, bệnh sương mai, bệnh thối nhũn hại nhẹ. Cây rau họ bầu bí, thì bệnh thối thân hại diện hẹp, cục bộ từng ruộng, tỷ lệ hại 3-5% số cây, có ruộng 7-10% số cây; bệnh sương mai tỷ lệ hại phổ biến 1-5% số lá, bệnh cấp 1-3; bọ dưa, bọ nhảy, bọ trĩ, bệnh phấn trắng, bệnh thán thư hại nhẹ.

          Theo dự báo, hiện nay các tỉnh miền Bắc đang chịu ảnh hưởng của một đợt không khí lạnh, trời nhiều mây, có mưa nhỏ, mưa rào nhẹ rải rác, đêm và sáng sớm có nhiều sương và sương mù, đây là điều kiện rất thuận lợi cho bệnh đạo ôn tiếp tục phát sinh, lây lan và gây hại. Đặc biệt các vùng ổ bệnh cũ, giống nhiễm (Nếp, CR203, DT10, BC15, Khang dân,...); bệnh virus (lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá) tiếp tục xuất hiện trên trà chính vụ và muộn, giống nhiễm rầy. Bên cạnh đó, rầy cám lứa 2 tiếp tục tăng mật độ và diện phân bố trên trà sớm và chính vụ, giống nhiễm rầy. Đây cũng là lứa rầy truyền bệnh virus nguy hiểm nhất cho trà chính vụ và muộn của tỉnh, cần chú ý lứa rầy này. Hơn nữa, sâu đục thân bướm 2 chấm trưởng thành lứa 2 vũ hoá rộ và đẻ trứng, sâu non bắt đầu gây hại trên trà chính vụ và muộn. Các bệnh bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn, vàng lá, đốm nâu, dòi đục nõn, bọ xít, chuột...sẽ tiếp tục xuất hiện, lây lan và gây hại mạnh.

            Nhằm chủ động phòng chống các đối tượng gây hại cho cây trồng, Chi cục phó Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh Nguyễn Hồng Yến cho rằng các địa phương và bà con nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp chăm sóc lúa và các cây trồng cạn. Bón thúc đợt cuối cho diện tích trà chính vụ khi lúa phân hoá đòng. Các huyện, thành phố cần tiếp tục chỉ đạo việc kiểm tra và xử lý bệnh virus hại lúa. Những nơi nghi nhiễm bệnh virus tiến hành lấy mẫu gửi giám định, tiếp tục theo dõi các vùng thường xuyên gây cháy rầy ở các vụ trước, ổ rầy, theo dõi trưởng thành vào đèn để dự báo sớm lứa rầy mới phát sinh. Những khu vực xuất hiện bệnh lùn sọc đen cần thực hiện tốt các giải pháp sau: Nhổ tỉa những dảnh, khóm, cây bị bệnh vùi xuống bùn; phun thuốc trừ rầy bao vây khu vực bị bệnh; tăng cường chăm sóc bón phân để lúa sinh trưởng phát triển tốt; theo dõi chặt chẽ các ruộng bị bệnh và những khư vực xung quanh. Với diện tích lúa xuất hiện vàng lá do thiếu dinh dưỡng và ngộ độc đất, cần tăng cường các biện pháp làm cỏ, sục bùn, thay nước và bổ sung vi lượng bằng các loại phân bón lá phù hợp. Các huyện, thành phố cần tăng cường công tác điều tra, phát hiện, thực hiện nghiêm túc việc phân cấp tuổi sâu, cấp bệnh của các đối tượng chủ yếu trên lúa để có biện pháp xử lý kịp thời khi mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao. Theo dõi sát thời điểm vũ hóa và xác định chính xác mật độ trứng rầy, mật độ cám lứa 2 và tỷ lệ rầy mỗi loại, sâu cuốn lá nhỏ lứa 2, sâu đục thân bướm 2 chấm, bệnh đạo ôn, bệnh khô vằn, bệnh bạc lá và đốm sọc vi khuẩn. Những ruộng xuất hiện bệnh đạo ôn, bệnh bạc lá, bệnh khô vằn cần giữ đủ nước, tạm dừng bón đạm hay phun thuốc kích thích sinh trưởng, phân bón lá. Sử dụng thuốc đặc trị dập tắt ngay các ổ bệnh mới phát sinh, không để lây lan diện rộng và phun theo nồng độ khuyến cáo trên bao bì. Những ruộng bệnh nặng phải phun kép 2 lần, cách nhau 5-7 ngày. Nếu trong khoảng 24 giờ sau phun gặp mưa phải phun lại. Theo dõi sự xuất hiện, gây hại của các đối tượng sâu, bệnh chính trên cây trồng cạn. Chỉ đạo phòng trừ kịp thời những nơi có mật độ sâu, tỷ lệ bệnh cao, chú ý các đối tượng đã nêu. Tiếp tục đẩy mạnh phong trào diệt trừ chuột tại các địa phương. Trên diện tích lúa nước, tập trung sử dụng biện pháp đặt bẫy cơ giới (bẫy kẹp, bẫy lồng,...), bả sinh học hay hoá học có độ an toàn cao để diệt trừ chuột. Rà soát, xác định và khoanh vùng và theo dõi sự phát dục của trứng châu chấu, chú ý các khu vực những năm trước đã bị hại. Tăng cường bám sát đồng ruộng, thường xuyên điều tra, phát hiện và dự báo thời điểm trứng nở để chủ động phòng trừ kịp thời các ổ châu chấu non ngay từ khi mới nở, tránh lây lan thành dịch.