DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Tập trung phòng chống dịch bệnh cho cây trồng

23/08/2012 00:00
Hiện nay, lúa vụ hè thu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đang chuẩn bị bước vào thời kỳ làm đòng và phân hóa đòng, dự báo sẽ xuất hiện nhiều loại bệnh ảnh hưởng đến năng suất cây trồng sau này. Nhằm chủ động phòng trừ các loại sâu bệnh gây hại, các địa phương đang tập trung cao độ để phòng, chống bảo đảm vụ hè thu đạt sản lượng và năng suất cao.
Nếu kiểm soát tốt mức độ của sâu bệnh trong thời điểm này, nông dân sẽ bảo đảm được năng suất, chất lượng lúa

Theo thống kê của Sở NN&PTNT tỉnh, các huyện có diện tích cấy lúa vụ mùa cao nhất lần lượt là Lạc Sơn 5.396 ha, Kim Bôi 3.525 ha, Tân Lạc: 3.000 ha, Yên Thủy: 2.932 ha và Lương Sơn: 2.750 ha. Trong các địa phương còn lại, thành phố Hòa Bình và huyện Đà Bắc có diện tích lúa cấy thấp nhất với khoảng 900 ha tại Đà Bắc và 465 ha tại thành phố Hòa Bình. Đến thời điểm này, các địa phương đang tập trung thực hiện các biện pháp chăm sóc cây lúa. Tổng diện tích lúa đã được làm cỏ lần 1 hiện khoảng 19.300 ha, dẫn đầu là các huyện Kim Bôi, Tân Lạc, Lương Sơn, Yên Thủy

Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh cho biết, trong thời gian từ ngày 20-8 đến ngày 15-9, các địa phương cần tập trung cao độ cho công tác phòng trừ sâu bệnh hại lúa mùa 2012, bởi đây là thời điểm nhạy cảm, có nhiều nguy cơ phát sinh và lây lan các đối tượng dịch hại trên cây lúa. Nếu kiểm soát tốt mức độ ảnh hưởng của sâu bệnh trong thời điểm này, nông dân sẽ bảo đảm được năng suất, chất lượng lúa. Cũng theo Chi cục BVTV, thời gian này hai đối tượng cần lưu ý nhất là sâu cuốn lá nhỏ lứa 6 và tập đoàn rầy lứa 6. Theo đó, từ nay đến khoảng 15-9, trên địa bàn tỉnh sẽ có nhiều diện tích lúa phân hóa đòng, làm đòng, có nơi lúa bắt đầu giai đoạn ôm đòng, trỗ bông. Đây là thời điểm cây lúa có khả năng chống chịu sâu bệnh kém hơn hẳn so với các giai đoạn sau này. Mặt khác, cũng là thời điểm sâu cuốn lá và rầy lứa 6 xuất hiện với nguy cơ lây lan, gây hại cao. Chính vì vậy, các địa phương cần tăng cường thực hiện các biện pháp diệt trừ đã được ngành chức năng hướng dẫn.

Tại huyện Kỳ Sơn, hiện nay lúa mùa đang trong giai đoạn đẻ nhánh rộ và cuối đẻ nhánh. Một số diện tích lúa mùa, một số đối tượng sinh vật đang gây hại là tập đoàn rầy, sâu cuốn lá nhỏ và bệnh lùn sọc đen. Theo bà Phạm Huyền Liễu, Phó trạm BVTV, hiện nay trên đồng ruộng, tập đoàn rầy gây hại lúa mùa với mật độ trung bình trong khoảng 250m2 – 350 con/m2, có nơi mật độ cao (khoảng 4 ha phát hiện ở ổ dịch cũ thuộc các xã Mông Hóa, Dân Hạ, Dân Hòa) trong khoảng 600 – 800 con/m2. Sâu cuốn lá nhỏ ở tuổi 5, nhộng, gây hại với mật độ trung bình 15 – 20 con/m2, nơi mật độ cao từ 30 – 35 con/m2. Đáng chú ý, bệnh lùn sọc đen đã xuất hiện và gây hại tại một số xã Dân Hạ, Hợp Thịnh, Phú Minh, Mông Hóa trên tổng diện tích 0,53 ha lúa đẻ nhánh rộ và cuối đẻ nhánh với mật độ phổ biến 01 – 0,5% dảnh, nơi cao 2 – 3% dảnh. Trên lúa mùa, tập đoàn rầy, bệnh lùn sọc đen, sâu cuốn lá nhỏ, dòi đục nõn, sâu đục thân chấm… vẫn là những đối tượng tiếp tục gây hại trong thời gian tới. Ngoài ra, các thiên địch như chuột, châu chấu đang gây hại rải rác. Trước tình hình sâu bệnh gây hại, trạm BVTV đã phối hợp với các ngành liên quan tập trung theo dõi chặt diễn biến, hướng dẫn các xã thực hiện các biện pháp xử lý, phòng trừ. Các xã, thị trấn đã triển khai các biện pháp phòng trừ ở 4 ha lúa có sâu cuốn lá nhỏ, 5 ha lúa có tập đoàn rầy gây hại, không để phát sinh mới. Riêng với bệnh lùn sọc đen, các xã đã tiến hành nhổ diện tích cây bị bệnh và vùi xuống bùn, phun trừ rầy trên những ruộng bị bệnh và những ruộng xung quanh, đồng thời tăng cường chăm sóc, bón phân để lúa phát triển thuận lợi, tăng sức đề kháng và bổ sung thêm các loại phân bón lá phù hợp.

Bà Hoàng Thị Thu Hằng, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Lạc Thủy cho biết: Hiện nay, hầu hết diện tích lúa mùa trên địa bàn huyện Lạc Thủy đang thời kỳ làm đòng, tình hình sâu bệnh hại lúa diễn biến ổn định hơn so cùng kỳ các năm trước. Tuy nhiên vào giữa tháng 7 đầu tháng 8, khi lúa đang phân hóa đòng, sâu cuốn lá nhỏ bước đầu gây hại trên phần diện tích khoảng trên 200 ha, tập trung chủ yếu tại địa bàn các xã Lạc Long, An Bình, Yên Bồng, An Lạc. Phát hiện sớm, lực lượng chức năng đã nhanh chóng vào cuộc, chỉ đạo việc phun thuốc diệt trừ sâu ở giai đoạn sâu non tuổi 1-3. Nhờ đó, đã kịp thời khống chế dịch. Từ nay đến cuối vụ, huyện sẽ tiếp tục tăng cường các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại lúa và các loại hoa màu vụ hè thu, quyết tâm đảm bảo năng suất và sản lượng.

Để chủ động phòng chống sâu bệnh gây hại, Chi cục BVTV khuyến cáo bà con nông dân nên hạn chế thấp nhất việc dùng thuốc hóa học trong giai đoạn lúa đẻ nhánh vì cây lúa có khả năng tự đền bù lớn. Đối với sâu cuốn lá nhỏ, bà con nông dân chỉ phun trừ ở những ruộng có mật độ cao trên 50con/m2 ở những ruộng đã phân hóa đòng, làm đòng, phun sớm trong giai đoạn sâu non, sử dụng các loại thuốc đặc hiệu như Regent 5SC, Goldmectin 36EC, Mectinstar 20EC… Phun theo nồng độ, liều lượng hướng dẫn trên bao bì. Nếu phun xong mật độ sâu vẫn còn cao thì phải phun lại lần 2, cách lần 1 từ 3-5 ngày. Ruộng phun xong trong vòng 12h nếu gặp mưa thì phải phun lại. Đối với tập đoàn rầy (nâu, lưng trắng, nâu nhỏ). Hiện nay, rầy lứa 5 đang xuất hiện với mật độ phổ biến 30-50 con/m2, một số địa bàn tại huyện Kỳ Sơn và Lạc Thủy có nơi mật độ lên tới 250-450 con/m2. Dự báo thời gian tới, rầy lứa 5 tiếp tục tăng mật độ và diện phân bố trên các trà lúa, mật độ phổ biến 200-500 con/m2. Vì vậỵ, Chi cục BVTV đề nghị các địa phương theo dõi chặt chẽ hệ thống bẫy đèn, dự báo chính xác các lứa rầy di trú để có biện pháp xử lý kịp thời, hiệu quả. Khi tiến hành phun thuốc, chỉ phun trừ nếu ruộng có mật độ rầy cao trên 2.000 con/m2, phun tập trung tại những ruộng nhiễm rầy, không phun tràn lan cả cánh đồng và chỉ sử dụng các loại thuốc nội hấp như Midan, Amiza, Anfaza… Không sử dụng các thuốc có phổ tác động rộng để trừ rầy trong giai đoạn này.

Ông Nguyễn Hồng Yến, Phó Chi cục trưởng Chi cục BVTV cho biết, từ nay đến giữa tháng 9-2012 là thời điểm quyết định năng suất và chất lượng lúa vụ mùa. Vì vậy, các địa phương cần tập trung cao độ cho công tác phòng trừ các đối tượng sâu bệnh hại, nhất là sâu cuốn lá nhỏ, tập đoàn rầy, bệnh virus, bệnh khô vằn, bạc lá…