Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có 66 doanh nghiệp hoạt động xuất nhập khẩu. Trong đó, cơ cấu mặt hàng xuất khẩu chia thành 05 nhóm hàng: Nhóm hàng linh kiện điện tử (17 doanh nghiệp), nhóm dệt may (21 doanh nghiệp), nhóm hàng kim loại (02 doanh nghiệp), nhóm hàng nông sản (09 doanh nghiệp) và nhóm hàng hóa khác (17 doanh nghiệp). Thị trường xuất khẩu: Thị trường xuất khẩu vẫn tập trung vào những thị trường truyền thống như: Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, EU... phát triển thêm một số thị trường mới như: Canada, Anh Quốc, Ấn Độ, Châu Phi...
Tỉnh đẩy mạnh xuất khẩu chung của tỉnh qua các năm: Kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh giai đoạn 2016-2020 tăng trưởng ổn định từ 690,587 triệu USD (năm 2016) lên 1.097,312 triệu USD (năm 2020). Tốc độ tăng trưởng trung bình giai đoạn đạt 28,5%. Kim ngạch xuất, nhập khẩu của tỉnh giai đoạn 2021-2023 tăng trưởng từ 2.198,064 triệu USD (năm 2021) lên 2.924,234 triệu USD (năm 2023). Trong đó kim ngạch xuất khẩu năm 2021 đạt 1.217,984 triệu USD, tăng 18,02% so với cùng kỳ, đạt 100,02% kế hoạch năm; kim ngạch nhập khẩu năm 2021 đạt 980,080 triệu USD, tăng 12,01% so với cùng kỳ, đạt 100,01% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu năm 2022 đạt 1.437,23 triệu USD, tăng 18% so với cùng kỳ, đạt 100,02% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu năm 2022 đạt 1.097,312 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ, đạt 100,03% kế hoạch năm; kim ngạch xuất khẩu năm 2023 đạt 1.695,069 triệu USD tăng 17,94% so với cùng kỳ, đạt 100,0041% kế hoạch năm. Kim ngạch nhập khẩu năm 2023 ước đạt 1.229,165 triệu USD tăng 12,02% so với cùng kỳ, đạt 100,01% kế hoạch năm. Tình hình xuất khẩu nông sản của tỉnh qua các năm đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản giai đoạn 2016-2020 đạt bình quân 7,8%/năm. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu nông, lâm thủy sản giai đoạn 2021-2023 đạt bình quân 12,35%/năm
Trong giai đoạn 2016-2023, tỉnh đã hỗ trợ doanh nghiệp tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại tại các tỉnh trong cả nước thông qua các chương trình như vận động và hướng dẫn tổ chức cho hơn 130 lượt doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Hòa Bình tham gia chương trình Hội chợ các tỉnh và thành phố trong cả nước với trên 270 gian hàng. Tổ chức 53 hội chợ triễn lãm trên địa bàn tỉnh. Tổ chức Hội chợ Công Thương khu vực phía Bắc - Hoà Bình thuộc chương trình khuyến công quốc gia có quy mô hơn 200 gian hàng, gần 100 doanh nghiệp tham gia, trị giá hàng bán tại hội chợ khoảng 5 đến 7 tỷ đồng. Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh tham gia Hội nghị kết nối cung cầu tại các tỉnh thành trong cả nước với 24 hội nghị. Tổ chức 02 chương trình làm việc, kết nối, hợp tác lĩnh vực công thương với huyện Vân Hồ, tỉnh Sơn La. Giới thiệu trên 80 doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh tham gia Điểm bán hàng tại Hà Nội. Hỗ trợ đẩy mạnh phân phối hàng hóa của doanh nghiệp qua “Gian hàng Việt trực tuyến” trên 4 Sàn thương mại điện tử như: Sàn giao dịch thương mại điện tử Hòa Bình hoabinhtrade.gov.vn; Tổng công ty Bưu điện Việt Nam sàn Postmart.vn; Tổng công ty cổ phần Bưu chính Viettel sàn voso.vn; Công ty cổ phần công nghệ Sen Đỏ - thuộc Tập đoàn FPT sendo.vn nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế số, nông nghiệp, nông thôn được thực hiệu quả. Do đó người tiêu dùng được tiếp cận với các loại hàng hóa, dịch vụ tốt, chất lượng đảm bảo đồng thời góp phần không nhỏ trong việc hỗ trợ các doanh nghiệp tăng cường công tác xúc tiến thương mại, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa, dịch vụ, nhiều sản phẩm đặc trưng của tỉnh (cam, quýt Cao Phong, Lạc Sơn, Kim Bôi; bưởi Tân Lạc, Kim Bôi; rau sạch Lương Sơn, rau su su Tân Lạc...) được người tiêu dùng trong tỉnh và các tỉnh bạn biết tới và ưa chuộng; nhiều doanh nghiệp đã tìm kiếm được cơ hội hợp tác đầu tư, liên doanh liên kết để phát triển sản xuất và kinh doanh thương mại, góp phần mở rộng kết nối thương mại tỉnh Hòa Bình với các tỉnh thành trong cả nước.
Về kết quả công tác phát triển thị trường xuất khẩu, các thị trường xuất khẩu truyền thống luôn được giữ vững như Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Hà Lan, Đức. Ngoài ra phát triển và mở rộng thêm một số sản phẩm sang nông sản của tỉnh sang các thị trường thuộc các nước đã có hiệp định thương mại tự do với Việt Nam như khối EU, Mỹ, Canada, Anh Quốc… Về mặt hàng nông sản xuất khẩu đã thêm được một số mặt hàng như sản phẩm Măng các loại của Công ty cổ phần Kim Bôi. 100% các sản phẩm lâm sản (gỗ) và các sản phẩm nông sản tươi (Bưởi, Cam): Năm 2022 xuất khẩu 324 tấn mía, 6 tấn bưởi đỏ, 11 tấn bưởi diễn, 575 tấn chuối, 30 tấn nhãn. Năm 2023 xuất khẩu 280 tấn mía, 07 tấn cam; 13 tấn sả, 62 tấn bưởi, 350 tấn chuối. Các thị trường xuất khẩu bao gồm: Hoa Kỳ, Anh, Canada, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, EU. Về các thành phần kinh tế tham gia hoạt động xuất khẩu nông sản, đến năm 2023, đã có 09 doanh nghiệp, 07 hợp tác xã, tổ hợp tác đã có sản phẩm nông sản, lâm sản được xuất khẩu sang các thị trường nước ngoài.
Mục tiêu, chỉ tiêu về phát triển sản phẩm chủ lực, sản phẩm đặc thù, sản phầm có lợi thế tại địa phương giai đoạn 2026 - 2035 của tỉnh là phát triển thị trường xuất khẩu theo hướng liên tục, thường xuyên và bài bản. Khi hàng hóa xuất khẩu của tỉnh đã thâm nhập thành công vào các thị trường nước ngoài, cần đẩy mạnh xuất khẩu theo hướng liên tục, thường xuyên và bài bản để tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh và chất lượng của hàng hóa xuất khẩu, đáp ứng yêu cầu, tiêu chuẩn kỹ thuật của thị trường xuất khẩu, nhất là các thị trường yêu cầu cao về chất lượng như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Phát triển thị trường xuất khẩu của tỉnh trên cơ sở khuyến khích các thành phần kinh tế chủ động tham gia vào mạng lưới sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu ở các khâu có giá trị gia tăng cao; đẩy mạnh xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm, đồng thời gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; tận dụng và khai thác hiệu quả những cơ hội của hội nhập kinh tế quốc tế để mở rộng thị trường xuất khẩu, đặc biệt là từ những Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam đã tham gia, ký kết và có hiệu lực như CPTPP, EVFTA. Tiếp tục phát triển thị trường xuất khẩu khi Việt Nam ký kết các Hiệp định thương mại tự do trong thời gian tới.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, tổng Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của cả tỉnh ước đạt 4.050 triệu USD. Trong đó kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản chủ lực của tỉnh đến năm 2030 đạt khoảng 137,8 triệu USD. Tỷ trọng kim ngạch xuất khẩu nông sản chủ lực, lợi thế chiếm khoảng 3,4% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Thị trường xuất khẩu hàng hóa chủ yếu của tỉnh giai đoạn đến năm 2030 là những thị trường truyền thống của nước ta như Mỹ, EU, Anh Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc./.