Đến nay, toàn tỉnh hiện có 02 Trung tâm thương mại đã được phê duyệt nội quy và phân hạng, cụ thể: Trung tâm thương mại AP PLAZA thành phố Hoà Bình, hạng 3, diện tích xây dựng 15.100 m2; Trung tâm thương mại VIMCOM PLAZA thành phố Hoà Bình, hạng 3, tổng diện tích xây dựng 11,019,7 m2; diện tích 7621,3 m2. Trên địa bàn tỉnh có 07 siêu thị đang hoạt động đã được phân hạng và phê duyệt nội quy, cụ thể 01 Siêu thị hạng 1 gồm Siêu thị AP Plaza; 02 siêu thị hạng 2 là siêu thị Vì Hòa Bình, Siêu thị điện máy HC Hòa Bình; 04 siêu thị hạng 3 là Siêu thị chuyên doanh Đình Giang tại huyện Đà Bắc, Siêu thị WINMART Hoà Bình, Siêu thị sách, Siêu thị Tuấn Khánh. Tỉnh có 95 chợ, trong đó có 01 chợ hạng 1, 10 chợ hạng 2, 84 chợ hạng 3.
Hoạt động thương mại dịch vụ diễn ra sôi động hơn so với cùng kỳ năm trước. Hàng hoá đảm bảo nguồn hàng cung ứng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng trên địa bàn tỉnh. Thị trường hàng hoá đa dạng phong phú, không xảy ra tình trạng tăng giá đột biến và khan hiếm hàng hoá, các mặt hàng thiết yếu được bảo đảm cung ứng đầy đủ, nhất là các nhu yếu phẩm, xăng dầu... Tại các chợ truyền thống, trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi, các hệ thống phân phối hàng hoá đảm bảo nguồn hàng cung ứng phục vụ cho nhu cầu tiêu dùng và trên địa bàn tỉnh không có hiện tượng khan hiếm hàng hoá hoặc tăng giá đột biến... Tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng năm 2023 ước đạt 63.005 tỷ VND, đạt 101.63 % kế hoạch, tăng 19,8% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó bán lẻ hàng hoá ước đạt 42.906 tỷ đồng, tăng 23,1% so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động dịch vụ lưu trú, ăn uống, du lịch lữ hành ước đạt 10.552 tỷ đồng, tăng 12,9% so với cùng kỳ.
Kế hoạch năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hoá và dịch vụ tiêu dùng đạt 74. 345 tỷ đồng; tăng 18 % so với cùng kỳ năm 2023. Theo báo cáo của UBND tỉnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ quý I năm 2024 ước đạt 22.290 tỷ, tăng 17,9% so với cùng kỳ.
Nhờ đẩy mạnh xây dựng, phát triển hạ tầng thương mại đồng bộ, thời gian qua, lĩnh vực thương mại - dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã phát triển ổn định, đảm bảo tính chuyên nghiệp trong phương thức, cách thức quản lý, vận hành và đặc biệt hơn là sự văn minh trong cách phục vụ, đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Để các dịch vụ hoạt động hiệu quả, đảm bảo chất lượng và quyền lợi người tiêu dùng cũng như các nhà đầu tư, các địa phương và sở, ngành liên quan thường xuyên quan tâm tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát đánh giá tình hình hoạt động, quản lý, kinh doanh; tiếp thu những khó khăn, vướng mắc trong quá trình vận hành, hoạt động.
Từ giờ đến cuối năm 2024, tỉnh tăng cường công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành liên quan và các địa phương tập trung thực hiện đồng bộ các giải pháp cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh; khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại; tăng cường quản lý Nhà nước về xây dựng dự án đầu tư hạ tầng dịch vụ thương mại phù hợp với điều kiện và định hướng cho từng vùng, từng địa phương. Cùng với đó, tiếp tục tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách phát triển thương mại, trong đó quan tâm phát triển hạ tầng thương mại tại các vùng nông thôn, miền núi để phát triển kinh tế và nâng cao đời sống Nhân dân; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh; quan tâm phát triển thương mại điện tử. Phát triển đồng bộ hạ tầng thương mại hiện đại và truyền thống, giữa thị trường đô thị và nông thôn... tạo đà cho ngành thương mại tăng tốc, phát triển./.