DetailController

Thời sự trong ngày

Tập trung phát triển hạ tầng cụm công nghiệp

04/05/2023 14:37
Tỉnh Hòa Bình quy hoạch 22 cụm công nghiệp với tổng diện tích đất là 940,525 ha. Đến nay, có 16/22 cụm công nghiệp đã được UBND tỉnh quyết định thành lập với diện tích là 683,225 ha, tổng vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật các CCN được phê duyệt là 4.862,458 tỷ đồng. Có 10/16 CCN đã và đang triển khai đầu tư hạ tầng tại các huyện: Lạc Sơn, Lạc Thủy, Mai Châu, Tân Lạc, Lương Sơn; Đà Bắc và thành phố Hòa Bình với tổng diện tích đất các CCN này là 532,915 ha.
Các khu, cụm công nghiệp mỗi năm tạo việc làm cho trên 15 nghìn lao động

Việc triển khai xây dựng các cụm công nghiệp đã đáp ứng yêu cầu, tạo ra mặt bằng để thu hút các nhà đầu tư, góp phần tăng năng lực sản xuất, đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa công nghiệp của tỉnh. Phát triển các cụm công nghiệp góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu tỉnh tế của tỉnh theo hướng tăng nhanh tỷ trọng giá trị trong GDP của các ngành công nghiệp và dịch vụ; các cụm công nghiệp không chỉ là động lực quan trọng thúc đẩy sản xuất công nghiệp và dịch vụ góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế của vùng và của tỉnh, có tác động lan tỏa rộng rãi tới nhiều ngành, nhiều lĩnh vực của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Việc hình thành các cụm công nghiệp hỗ trợ giải quyết mặt bằng sản xuất, tách sản xuất ra khỏi khu dân cư, khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, khu dân cư. Bên cạnh đó, việc phát triển các khu, cụm công nghiệp còn góp phần tích cực tạo ra nhiều việc làm, thu hút và giải quyết công ăn việc làm cho người dân nông thôn, góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, nâng cao đời sống của người dân; trung bình mỗi năm tạo việc làm mới cho trên 15 nghìn lao động, góp phần ổn định an ninh trật tự, an toàn xã hội địa phương.

Tuy nhiên trong quá trình triển khai công tác phát triển và quản lý CCN trên địa bàn tỉnh Hòa Bình gặp một số khó khăn vướng mắc. Công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất, tái định cư còn gặp nhiều vướng mắc, diện tích đất CCN đã được giải phóng mặt bằng mới chiếm khoảng 25%. Thời gian để nhà đầu tư hoàn thành các thủ tục như đất đai, xây dựng, môi trường… sau khi được UBND tỉnh quyết định giao chủ đầu tư để tiến hành xây dựng kéo dài làm ảnh hưởng đến công tác thu hút các doanh nghiệp thứ cấp đầu tư hoạt động sản xuất trong cụm công nghiệp. Hầu hết các CCN không có quy hoạch khu tái định cư cho người dân khi bị thu hồi đất phục vụ phát triển công nghiệp, không có quy hoạch hạ tầng xã hội như: Dành quỹ đất xây dựng nhà ở công nhân, nhà văn hóa, nhà trẻ và các công trình phụ trợ đảm bảo phục vụ nhu cầu thiết yếu cho công nhân, lao động trong các CCN.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định "phát triển kết cấu hạ tầng" là một trong những nhiệm vụ đột phá chiến lược để phấn đấu đưa tỉnh Hòa Bình "đến năm 2030 là tỉnh phát triển thuộc nhóm dẫn đầu trong khu vực Trung du và Miền núi phía Bắc". Tỉnh Hòa Bình đặt ra mục tiêu, phấn đấu đến năm 2025 diện tích đất các khu, cụm công nghiệp (CCN) chiếm khoảng 01% diện tích đất tự nhiên của tỉnh. Để đạt được mục tiêu trên, thời gian tới tỉnh tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí tầm quan trọng và lợi ích lâu dài của việc phát triển khu công nghiệp, cụm công nghiệp, yếu tố quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội bền vững của tỉnh. Tăng cường công tác rà soát các quy định của pháp luật về đất đai; chính sách đất đai; chính sách về đền bù giải phóng mặt bằng; giá thuê đất… để đảm bảo tính thống nhất, phù hợp với thực tiễn; tiếp tục hoàn thiện các văn bản triển khai, hướng dẫn chỉ đạo của địa phương về đất đai cho các tổ chức cá nhân tìm hiểu đầu tư trên địa bàn; Nghiên cứu, đề xuất bổ sung một số cơ chế, chính sách, giải pháp và tổ chức thực hiện có hiệu quả hơn trong công tác bồi thường, hỗ trợ, giải phóng mặt bằng tại các CCN;...Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời quy hoạch phát triển các cụm công nghiệp bảo đảm phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tăng cường phối hợp trong công tác giải phóng mặt bằng, giải quyết khó khăn cho doanh nghiệp, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư thứ cấp vào hoạt động sản xuất trong các cụm công nghiệp.