DetailController

Nông, Lâm, Ngư Nghiệp

Tập trung phát triển cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao trên địa bàn tỉnh

11/09/2024 16:50
Trong những năm qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư nuôi trồng, chế biến dược liệu. Các dự án, chương trình phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đã giúp đẩy mạnh và khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào canh tác, sơ chế, chế biến cây dược liệu. Đại đa số cây dược liệu thích hợp với điều kiện khí hậu nhiều vùng khác nhau của tỉnh Hòa Bình, nhiều chủng loại cây dược liệu đã gắn bó với người dân từ nhiều năm nay, do vậy đây là cây trồng quen thuộc với nhiều kinh nghiệm chăm sóc và thu hái sản phẩm nên quá trình mở rộng và phát triển cây dược liệu tại các vùng quy hoạch có nhiều thuận lợi.

Cây dược liệu có hiệu quả kinh tế cao hơn nhiều so với một số chủng loại cây trồng truyền thống (cây ngô, lúa, khoai, sắn) trên địa bàn các vùng quy hoạch, do đó thuận lợi thu hút nguồn lực về đất đai, lao động và nguồn vốn cho phát triển cây dược liệu. Nhiều chủng loại cây dược liệu là cây trồng xen, phù hợp với đất rừng vì vậy việc phát triển cây dược liệu còn nâng cao giá trị đất rừng, góp phần vào việc bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh Hòa Bình. Nhiều chủng loại cây dược liệu đã có sự tham gia của các Công ty dược, doanh nghiệp thu mua và bao tiêu sản phẩm nên đầu ra cho sản xuất tương đối ổn định, tạo điều kiện ban đầu để hình thành mối liên kết giữa sản xuất và thị trường giúp cây dược liệu phát triển ổn định và bền vững.

Tính đến nay, toàn tỉnh có khoảng 2.350 ha cây dược liệu. Trong đó diện tích trồng xen trên đất rừng 197,6 ha; diện tích trồng trên đất cây hàng năm, cây lâu năm, đất khác 2.151,4 ha. Các loài cây dược liệu có diện tích và sản lượng lớn như Sả 1.600 ha cho thu hoạch trên 11 ngàn tấn, Cà gai leo 167 ha cho thu hoạch trên 1,2 ngàn tấn. Bên cạnh đó còn có các loại khác như Xạ đen, Nghệ, Sâm bố chính, Ngọc hoàn, Giảo cổ lam. Theo Quyết định số 3657/QĐ-BYT ngày 20/8/2019 của Bộ Y tế ban hành Danh mục 100 loài cây dược liệu có giá trị y tế và kinh tế cao để tập trung phát triển trong giai đoạn 2020-2030; thành phần loài dược liệu của tỉnh Hòa Bình có nhiều loài nằm trong danh mục này như: Quế, Lá khôi, Ba kích, Nhân trần, Thiên niên kiện, Cát sâm, Dây thìa canh, Lạc tiên, Diệp hạ châu, Sâm ngọc linh, Đương quy... Tổng diện tích các loài cây này khoảng 282 ha. Ngoài diện tích dược liệu được gieo trồng, một số loài dược liệu mọc tự nhiên trong rừng được khai thác nhiều năm qua như: Chè dây, Giảo cổ lam, Lạc tiên, Thất diệp nhất chi hoa, Lan kim tuyến...

Hiện nay trên địa bàn tỉnh có 13 cơ sở, doanh nghiệp thu mua, sơ chế dược liệu. Việc sơ chế chủ yếu vẫn là phương pháp thủ công đơn giản, thô sơ bằng cách sàng lọc, phơi khô hoặc sấy; bảo quản trong túi nilon. Có 10 cơ sở chế biến dược liệu với quy mô doanh nghiệp nhỏ, hộ gia đình. Bước đầu có sự tham gia của doanh nghiệp, hợp tác xã ký kết hợp đồng thu mua nguyên liệu như: công ty CP Biophamrm Hòa Bình, công ty TNHH một thành viên Linh Dược Sơn, HTX dược liệu Bigfarm, HTX dược liệu Yên Thủy, công ty TNHH dược liệu Hòa Bình. Một số sản phẩm sau chế biến có giá trị kinh tế cao như: trà túi lọc cà gai leo, xạ đen, thìa canh, lá khôi; bột cà gai leo, tinh bột nghệ, cao cà gai leo, cao xạ đen, tinh dầu sả, dầu gội... tuy nhiên số lượng chưa nhiều. Tổng sản lượng dược liệu của tỉnh đưa vào chế biến mới chiếm khoảng 30%. Một phần còn lại (khoảng 10%) được sử dụng trong các bài thuốc đông y gia truyền, còn phần lớn (khoảng 60%) vẫn tiêu thụ ngoài tỉnh dưới dạng sản phẩm thô. Một số sản phẩm dược liệu đã được công nhận nhãn hiệu, chứng nhận sản phẩm OCOP từ 3-4 sao như: Cao cà gai leo Yên Thủy của HTX Nông lâm nghiệp Bảo Hiệu, Cao xạ đen của HTX Nông nghiệp Yên Trị (huyện Yên Thủy); Cao xạ đen và Cao cà gai leo của HTX Tuyết Nhi (huyện Lương Sơn), An phế Triệu Gia của HTX thuốc nam gia truyền Triệu Gia, (huyện Kim Bôi); An Phục Khớp của HTX H20 Việt Nam (TP Hòa Bình). Các sản phẩm cà gai leo Yên Thủy và Xạ đen Hòa Bình được cấp văn bằng chứng nhận bảo hộ nhãn hiệu.

Toàn tỉnh có 180, 1ha quế. Trong đó, huyện Đà Bắc có 168,9ha (Cao Sơn, Tân Pheo, Đồng Ruộng, Nánh Nghê); huyện Mai Châu là 2,2ha (Thành Sơn, Nà Phòn); còn lại ở huyện Lạc Thủy và Kim Bôi. Phần lớn diện tích quế mới trồng 2-3 năm tuổi,  trồng thuần loài thành từng vườn, từng khu. Đánh giá ban đầu cho thấy diện tích cây quế đang sinh trưởng và phát triển khá tốt, mức độ sinh trưởng phù hợp với điều kiện khí hậu, độ cao và thổ nhưỡng của huyện Đà Bắc, Mai Châu. Tuy nhiên cần theo dõi tiếp trong vài năm tới để đánh giá hàm lượng hoạt chất trong tinh dầu. Trường hợp hàm lượng hoạt chất đạt yêu cầu là loài cây có thể mở rộng diện tích, thay thế một phần diện tích bương, luồng hiện đã già cỗi hay diện tích trồng keo kém hiệu quả.

Theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, hàng năm cả nước sử dụng khoảng 100.000 tấn dược liệu. Tuy nhiên, Việt Nam mới chỉ tự cung cấp được 25% nguyên liệu để phục vụ sản xuất thuốc trong nước, còn lại vẫn phải phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu. Do vậy, đây là tiềm năng lớn để các địa phương nói chung, tỉnh Hòa Bình nói riêng mở rộng diện tích những loài cây dược liệu phù hợp. Hòa Bình có diện tích đất lâm nghiệp là 296.870 ha (chiếm gần 64,5% diện tích đất tự nhiên). Với tiềm năng về tài nguyên rừng, cùng với lực lượng lao động tại chỗ dồi dào có nhiều dư địa để phát triển kinh tế dưới tán rừng, đặc biệt là nhóm cây dược liệu. Tỉnh có vị trí tự nhiên, điều kiện khí hậu với nhiều nét độc đáo và đa dạng với nhiều tiểu vùng khí hậu mát mẻ quanh năm với sự đa dạng sinh học ở các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên, rừng đặc dụng là điều kiện để các cây dược liệu quý có lợi thế phát triển. Quy mô phát triển cây dược liệu của tỉnh Hòa Bình đã được cụ thể hóa tại chiến lược Quy hoạch phát triển cây dược liệu của cả nước; phù hợp với Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Để phát triển cây dược liệu đến năm 2030, thời gian tới, tỉnh xây dựng danh mục các loại cây dược liệu ưu tiên phát triển phù hợp với điều kiện tự nhiên, thâm canh của người dân; giá trị kinh tế cao, thị trường có nhu cầu tiêu thụ, có các doanh nghiệp thực hiện liên kết bao tiêu sản phẩm và là các loại dược liệu có thể xuất khẩu trong thời gian tới. Xây dựng cơ chế, chính sách, phương án hỗ trợ nuôi trồng, phát triển, thu hoạch cây dược liệu trong rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất và cho thuê môi trường để phát triển cây dược liệu theo Quy chế quản lý rừng, theo quy định của Luật đất đai năm 2024. Tập huấn nâng cao năng lực quản lý và tổ chức sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho cán bộ quản lý, cán bộ khuyến nông các cấp, các tổ chức, cá nhân nuôi trồng dược liệu. Nội dung tập trung tập huấn về: kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hái cây dược liệu; một số bệnh thường gặp và cách phòng trừ; liên kết sản xuất dược liệu theo chuỗi giá trị; các tiêu chuẩn cơ bản của GACP, Organic và quản lý sản xuất hộ gia đình. Phát triển các vùng trồng cây dược liệu tập trung cho từng loài dược liệu gắn với hệ thống thu mua, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ trên cơ sở lợi thế về điều kiện tự nhiên và vị trí địa lý; đầu tư, hỗ trợ chế biến sâu, tạo ra những thương phẩm dược liệu có giá trị gia tăng lớn gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ lập hồ sơ quản lý, cấp mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc đối với các diện tích trồng cây dược liệu tập trung. Hỗ trợ thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc các sản phẩm dược liệu có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đáp ứng yêu cầu của thị trường. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý, điều hành từ khâu nuôi trồng đến khai thác, chế biến. Xây dựng và triển khai các đề tài khoa học công nghệ về nghiên cứu chọn tạo giống, công nghệ sản xuất giống; quy trình công nghệ trồng cho năng suất, chất lượng cao, chống chịu sâu, bệnh hại từ nguồn gen cây thuốc quý, lợi thế ở địa phương và nhập nội nguồn gen, giống cây dược liệu tiên tiến. Tiếp tục thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm (qua các phương tiện: báo chí, phóng sự, đài phát thanh, ấn phẩm nông nghiệp,…), vận động, thu hút các doanh nghiệp tham gia liên kết, đầu tư hỗ trợ trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm dược liệu./.