Các đề tài nghiên cứu khoa học được thực hiện có hiệu quả trên các lĩnh vực, theo hướng có trọng tâm, trọng điểm, bám sát vào nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh, tập trung vào phục vụ sản xuất đời sống, phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Tính riêng năm 2014, đã nghiệm thu được 35/35 đề tài. Qua nghiên cứu, đã lựa chọn được các giống cây trồng, vật nuôi đặc trưng của tỉnh có năng suất, chất lượng cao như các giống lúa, ngô chịu hạn, chịu lạnh; lựa chọn được các giống cam thu hoạch rải vụ từ tháng 9 - tháng 4 năm sau; nghiên cứu ứng dụng công nghệ tưới của I-xra-en, kỹ thuật canh tác hiện đại; đồng thời tạo ra các vùng sản xuất hàng hóa có giá trị kinh tế cao như cam Cao Phong, hạt dổi Lạc Sơn, quýt Nam Sơn, bưởi đỏ Tân Lạc, quả nặc lày Lương Sơn, mía tím Hòa Bình; nghiên cứu thành công việc nuôi cá tầm trên lòng hồ, đẻ nhân tạo cá bỗng, cá trắm đen...Việc nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng đều có sự liên kết 4 nhà: nhà quản lý, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và nhà nông. Các đề tài nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực văn hóa - xã hội đã đem lại hiệu quả thiết thực phục vụ đời sống nhân dân, bảo tồn và phát huy những nét văn hóa của người Mường; nâng cao chất lượng công tác kiểm tra, giám sát đối với đảng viên; nâng cao chất lượng, năng lực giám sát của HĐND các cấp; nghiên cứu, đề xuất các giải pháp thu hút, sử dụng nhân lực có trình độ cao vào tỉnh; nghiên cứu trong lĩnh vực y tế để nâng cao sức khỏe nhân dân.
Hoạt động sở hữu trí tuệ và hỗ trợ doanh nghiệp được quan tâm trong việc xác lập và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các sản phẩm đặc sản địa phương, góp phần đẩy mạnh thương mại hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh các sản phẩm đặc sản của tỉnh, đặc biệt là việc xây dựng thành công chỉ dẫn địa lý Cao Phong cho sản phẩm cam của huyện Cao Phong đã mang lại ý nghĩa cả về kinh tế và chính trị. Tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp trong việc ươm tạo và phát triển doanh nghiệp khoa học công nghệ với việc thành lập được doanh nghiệp khoa học công nghệ đầu tiên của tỉnh. Triển khai thực hiện chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn tỉnh bước đầu đem lại hiệu quả.
Hoạt động tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng đã thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước trong việc quản lý, giám sát, nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hoá, an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Việc triển khai và áp dụng hệ thống quản lý chất lượng TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của 46 cơ quan Nhà nước của tỉnh đã góp phần giảm thời gian đi lại cho doanh nghiệp và người dân, góp phần giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp. Đã xây dựng và đào tạo được đội ngũ cán bộ công chức có trình độ, năng lực và tâm huyết, giảm đáng kể thủ tục hành chính từ 32 thủ tục xuống còn 11 thủ tục.
Phát huy những thành tựu đạt được, thời gian tới ngành KH&CN trong tỉnh cần tập trung nguồn lực thúc đẩy phát triển, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các cấp các ngành, các doanh nghiệp và người dân về vai trò của KH&CN. Ứng dụng các kỹ thuật hiện đại của công nghệ sinh học: Nuôi cấy mô, công nghệ tế bào, công nghệ gen, công nghệ vi sinh... trong chọn tạo và nhân giống cây trồng, vật nuôi. Nghiên cứu xây dựng các biện pháp bảo tồn và khai thác nguồn gen quý, hiếm về cây trồng, vật nuôi thủy sản, dược liệu của tỉnh; bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào các dân tộc; mô hình và giải pháp để nâng cao năng lực chẩn đoán và điều trị, chăm sóc sức khoẻ cộng đồng; mô hình, giải pháp phòng - chống và điều trị các bệnh, dịch nguy hiểm, các bệnh không lây nhiễm... Hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh tiếp cận và ứng dụng công nghệ mới, công nghệ hiện đại, công nghệ sạch. Đẩy mạnh xã hội hóa KH&CN bằng mô hình gắn kết giữa cơ quan quản lý Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp./.