
Theo ghi nhận, từ ngày 01/01/2021 đến ngày 07/03/2021, toàn tỉnh có 4 xã của 3 huyện, thành phố có dịch tả lợn Châu Phi. Tổng số lợn ốm, tiêu hủy là 131 con, với tổng trọng lượng là 8.571 kg. Thời điểm hiện tại, có 2 xã, phường đã dập được dịch sau 21 ngày, là phường Tân Hòa và xã Thịnh Minh (thành phố Hòa Bình); hiện còn xã Quý Hòa (Lạc Sơn) và Lạc Sỹ (Yên Thủy) chưa qua 21 ngày.
Trong khi đó, dịch bệnh viêm da nổi cục trên trâu bò đang có chiều hướng gia tăng. Từ cuối tháng 12/2020 đến 1/4/2021, dịch bệnh đã xảy ra tại 17 xã, thị trấn, của 5 huyện Mai Châu, Tân Lạc, Lương Sơn, Đà Bắc, Lạc Sơn với tổng số mắc bệnh là 494 con trâu, bò; làm chết 18 con. Nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh lây lan nhanh là do các vật chủ trung gian truyền bệnh phát triển; một số địa phương chưa triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định; tỷ lệ tiêm phòng vắc xin thấp, trong khi cần tối thiểu 21 ngày sau vắc xin mới đáp ứng miễn dịch.
Trong vụ xuân hè này, ngành nông nghiệp tỉnh đang tích cực chỉ đạo các địa phương chủ động triển khai tiêm phòng vắc xin cho đàn gia súc, gia cầm, nhất là những nơi có nguy cơ cao. Đảm bảo tiêm phòng đạt tốt thiểu 90% số gia súc thuộc diện tiêm phòng. Đến nay, đã triển khai tiêm phòng bệnh Dại cho đàn chó và phòng Tụ huyết trùng cho đàn trâu, bò với số lượng là 16.736 liều.
Đồng thời, thực hiện tốt quyết liệt các biện pháp, khoanh vùng, bao vây, dập dịch. Tập trung tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp kiểm soát, xử lý dứt điểm các ổ dịch, không để dây dưa kéo dài, lây lan và phát sinh ổ dịch mới. Hàng ngày báo cáo đầy đủ tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống cho cơ quan quản lý chuyên ngành thú ý và chính quyền địa phương theo quy định.
Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền tác hại và tính chất lây lan, nguy hiểm của bệnh dịch; chủ động giám sát vật nuôi, phát hiện sớm các biểu hiện bệnh và báo chính quyền và nhân viên thú y xã đến kiểm tra; thực hiện phòng, chống kịp thời. Hướng dẫn người dân nuôi nhốt toàn bộ trâu, bò bệnh. Hằng ngày vệ sinh, sát trùng, tiêu độc nơi nuôi, nhốt gia súc và khu vực xung quanh, có biện pháp ngăn chặn, tiêu diệt vật chủ trung gian truyền bệnh. Quản lý chặt chẽ không di chuyển số gia súc, gia cầm đã khỏi triệu chứng lâm sàng ra khỏi bùng dịch trong khoảng thời gian tối thiểu 30 ngày kể từ ngày con gia súc cuối cùng khỏi bệnh lâm sàng hoặc đã tiêm vắc xin./.