Toàn tỉnh hiện có 544 hồ chứa thủy lợi các loại, trong đó có 474 hồ chứa thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, 70 hồ chứa không thuộc phân loại hồ tại Nghị định 114/2018/NĐ-CP. Tính đến năm 2024 các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã cấp nước tưới tiêu chủ động phục vụ cho các vụ sản xuất trong năm với diện tích là 57.350 ha, trong đó diện tích lúa 36.660 ha, màu và cây vụ đông 17.976 ha, cây ăn quả 1.800 ha, cấp nước nuôi trồng thủy sản là 37 ha, tiêu cho lúa 365 ha, tiêu cho khu vực đô thị và nông thôn 511 ha. Tỷ lệ diện tích cây hàng năm được tưới chủ động năm 2024 đạt 48%; Tỷ lệ diện tích lúa được tưới hàng năm đạt ổn định trên 95%. So với năm 2021 diện tích được tưới tăng thêm 1.054 ha, đưa diện tích được tưới chủ động từ 55.383 ha (năm 2021) lên 56.437 ha (năm 2024).
Tính đến đầu năm 2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình có tổng số 3.720 km kênh mương tưới các loại, đã kiên cố hoá được 2.169 km, tương ứng với 58,3% (năm 2021 kiên cố được 2.015,7 km, tương ứng với 54,1%). Việc quản lý và đảm bảo an toàn công trình thủy lợi luôn được tỉnh quan tâm và chú trọng, công tác kiểm tra báo cáo hiện trạng công trình vào trước, trong và sau mùa mưa bão luôn được thực hiện kịp thời và nghiêm túc.
Những năm qua, công tác đầu tư xây dựng các công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh đã được quan tâm, chú trọng và được thực hiện từ nhiều nguồn vốn để phục vụ nhu cầu dân sinh, phòng chống thiên tai và sản xuất nông nghiệp; đồng thời tăng cường kiên cố hoá hệ thống kênh mương nội đồng góp phần thúc đẩy sản xuất hiệu quả. Trong giai đoạn 2021-2024 đã đầu tư sửa chữa, nâng cấp hoàn thành 72 danh mục công trình hồ đập với kinh phí 396 tỷ đồng; 156 danh mục công trình đập dâng (bai), trạm bơm, trạm thủy luân và kênh mương được đầu tư xây dựng, sửa chữa nâng cấp với kinh phí 293 tỷ đồng; kiên cố hóa được thêm trên 150 km kênh mương.
Tuy nhiên, tỉnh Hòa Bình là tỉnh miền núi, với địa hình bị chia cắt nhiều khiến việc đầu tư xây dựng các công trình mang tính hệ thống, quy mô lớn, hiện đại vẫn còn gặp nhiều khó khăn; việc ngập úng, khô hạn cũng xảy ra cục bộ tại một số địa phương đã làm ảnh hưởng đến diện tích tưới tiêu và năng suất cây trồng. Số lượng công trình thủy lợi nhiều, tuy nhiên lại nằm rải rác, phân tán khiến công tác quản lý còn nhiều khó khăn. Các công trình thủy lợi hầu hết được xây dựng đã lâu, hồ sơ tài liệu không được lưu trữ hoặc lưu trữ không đầy đủ, khó khăn cho công tác quản lý và đánh giá giá trị tài sản. Những năm qua diễn biến về tình hình thiên tai phức tạp, số lượng công trình thủy lợi bị hư hỏng, xuống cấp nhiều, tuy nhiên nguồn kinh phí của tỉnh để sửa chữa, nâng cấp công trình còn hạn hẹp. Do vậy công tác đảm bảo an toàn công trình gặp nhiều khó khăn.
Trên cơ sở đó, tỉnh Hòa Bình kiến nghị Chính phủ, Bộ, ngành trung ương sớm xem xét về chủ trương đầu tư và bố trí nguồn vốn xây dựng hồ chứa nước Thượng Tiến, huyện Kim Bôi để phục vụ sản xuất nông nghiệp góp phần trong phòng chống thiên tai tại địa phương và hoàn thành tiến độ theo quy hoạch, kế hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa 24 danh mục dự án lĩnh vực “Thủy lợi, đê điều và phòng chống thiên tai” với kinh phí 11.358.000 triệu đồng vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 nguồn vốn do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quản lý./.