DetailController

Tin Nông nghiệp - Nông thôn

Tập trung khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất trồng trọt sau bão số 3

10/09/2024 10:27
Ngày 09/9/2024, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành Công văn số 2736/SNN-TTBVTV về tập trung khắc phục thiệt hại, khôi phục sản xuất trồng trọt sau bão số 3.

Để chủ động các biện pháp khôi phục sản xuất trồng trọt kịp thời sau bão, ngập úng, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho sản xuất. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân cấp xã triển khai phổ biến, hướng dẫn người sản xuất thực hiện một số nội dung sau:

Đối với diện tích lúa bị ngập úng, đổ ngã: Khẩn trương huy động lực lượng khơi thông dòng chảy, tiêu nước trong ruộng lúa, không để ruộng lúa bị ngâm nước nhiều ngày, nhằm hạn chế lúa bị mọc mầm và các nấm gây bệnh như đạo ôn cổ bông, lem lép hạt, khô vằn phát sinh gây hại nặng ảnh hưởng đến năng suất, chất lượng gạo. Đối với diện tích đã đến thời kỳ thu hoạch, có tỷ lệ hạt chín trên bông >85% tiến hành thu hoạch ngay với phương châm “Xanh nhà hơn già đồng” để hạn chế thiệt hại. Đối với diện tích giai đoạn trỗ - chắc xanh, sau khi tháo cạn nước trong ruộng cần tiến hành dựng lúa bằng cách túm 3 - 4 gốc lúa lại với nhau, tiến hành phun bổ sung phân bón lá Kali để cây lúa nhanh chóng phục hồi, tạo điều kiện thuận lợi cho lúa vào chắc và chín.

Đối với rau màu và cây hàng năm khác: Khẩn trương khơi thông dòng chảy, rãnh thoát nước trên ruộng còn đang bị ngập; mở ni lông phủ luống cho cây thông thoáng. Với diện tích rau màu bị ngập úng nhẹ, có khả năng phục hồi cần tiến hành chăm sóc, xới mặt luống để tạo độ thông thoáng, dọn sạch tàn dư những cây bị hỏng, trồng dặm đảm bảo mật độ; phun, tưới thuốc phòng trừ nấm bệnh hại lở cổ rễ, héo xanh, thối nhũn kết hợp phân bón lá chứa thành phần Lân và Kali. Khi cây phục hồi và đất khô ráo, tiến hành vun xới kết hợp tưới phân loãng, có thể pha thêm chế phẩm sinh học để kích thích ra rễ, cây nhanh phục hồi. Đối với diện tích rau màu bị ngập úng nặng không có khả năng phục hồi, tiến hành vệ sinh đồng ruộng, làm đất, lựa chọn các cây rau màu có giá trị kinh tế cao, tiêu thụ tốt phù hợp với khung lịch thời vụ để gieo trồng lại khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Đối với diện tích mía tím, mía trắng ăn tươi giai đoạn vươn lóng bị gãy đổ cần khắc phục ngay để hạn chế lóng mía tiếp xúc mặt đất, phát sinh chồi nách làm giảm năng suất, chất lượng. Thu hoạch sớm những cây bị gẫy, bóc những lá già phía dưới để cây mía nhẹ hơn; bổ sung đất, dậm chân chặt gốc mía, dựng cọc chống theo từng hàng mía với khoảng cách 3 – 5m cho mỗi cọc và chăng dây giúp cây mía đứng thẳng.

Đối với cây ăn quả: Khẩn trương xẻ mương, rãnh tiêu thoát nước, khơi thông dòng chảy, thoát nước nhanh, tránh để nước đọng trên vườn và xung quang các gốc cây, gây hiện tượng úng cục bộ, hạn chế đi lại trên vườn, tránh đất bị “dí” sau khi thoát nước. Dựng lại những cây bị đổ, bị nghiêng, cắm cọc giữ cây, không để cây bị lay động, làm đứt rễ cây. Tỉa bỏ các cành, lá, quả bị xơ tước do cọ xát gió bão, với những cành lớn cần quét vôi lên vết cắt. Phun rửa sạch bùn trên tán lá cây ngay khi nước rút. Với những cây bị gẫy, bị cuốn trôi cần sớm trồng dặm lại. Thu dọn tàn dư thực vật, thu dọn quả rụng, quả thối đưa ra khỏi khu vực vườn cây; đào hố dồn những quả thối hỏng xuống sau đó lấy vôi bột rắc đều lên trên, lấp đất kín, rắc vôi bột lên trên tránh nguồn nấm bệnh lây lan. Xới nhẹ lớp đất mặt để thông khí, đồng thời chủ động phòng trừ bệnh thối rễ do nấm bằng các chế phẩm sinh học (Ketomium, Trichoderma, Chitosan...) tưới đều xung quanh gốc cây theo tán lá giúp hạn chế nguồn nấm bệnh gây hại bộ rễ cây. Phun phòng trừ nấm bệnh trên cây ăn quả bằng các loại thuốc trừ nấm đăng ký sử dụng trên cây ăn quả có hoạt chất như: Metalaxyl, Mancozeb, Cymoxanil; Fosetyl Aluminium; Azoxystrobin; Trifloxystrobin... Với những vườn đã bị nhiễm bệnh cần phun khép 2 lần cách nhau 3-5 ngày. Khi vườn cây đã hồi phục, bón bổ sung phân bón N-P-K giúp cây sinh trưởng phát triển tốt.

Tiếp tục rà soát soát, xác định diện tích cây trồng bị thiệt hại. Trường hợp bị ảnh hưởng nặng do thiên tai, vượt quá khả năng tự khôi phục sản xuất của nông dân và có nhu cầu hỗ trợ giống (ngô, rau màu) từ nguồn dự trữ Quốc gia cần khẩn trưởng gửi báo cáo và tờ trình về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (qua Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật) để tổng hợp, báo cáo cấp thẩm quyền quyết định.

Tiếp tục thực hiện các giải pháp đẩy mạnh sản xuất vụ Đông năm 2024 đã triển khai tại Công văn số 2654/SNN-TTBVTV ngày 29/8/2024 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn./.