Thời gian qua, tỉnh đã thực hiện nâng cấp và mở rộng một số tuyến đường giao thông đến các khu du lịch. Trong đó có tuyến đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình, tuyến đường 435 kết nối lên vùng lõi của khu du lịch hồ Hoà Bình. Một số dự án du lịch với quy mô lớn, chất lượng cao được đầu tư, xây dựng đã đi vào hoạt động và đang thu hút được một số tập đoàn lớn đến đầu tư du lịch. Chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch được nâng lên ngày càng đa dạng, phong phú. Du lịch phát triển theo hướng chuyên nghiệp, gắn với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa, đảm bảo quốc phòng - an ninh, trật tự và an toàn cho du khách. Lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng và tổng thu từ hoạt động du lịch có mức tăng trưởng tốt trong thời gian chưa xảy ra dịch bệnh. Du lịch Hoà Bình đã góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm, tăng nguồn thu ngân sách, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương; tạo động lực thúc đẩy các ngành, lĩnh vực khác phát triển mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội và cơ bản bước đầu đã đạt được các tiêu chí cơ bản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh.
Tỉnh đã tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, các bến, bãi đỗ xe, các điểm dừng nghỉ cho khách du lịch trên các tuyến quốc lộ 6, đường Hô Chí Minh, đường Hòa Lạc - thành phố Hòa Bình; xây dựng các bến cảng thủy nội địa vùng Hồ Hòa Bình và các tuyến đường thủy trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi cho việc kết nối giữa các khu, điêm du lịch trên địa bàn tỉnh với các khu, điểm du lịch của một số tỉnh thành trên cả nước.
Hoàn thành và đưa tuyến đường Hoà Lạc - thành phố Hoà Bình đi vào hoạt động; triển khai Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng tại khu vực Cảng Ba Cấp có tổng mức đầu tư 8.596,2 tỷ đồng; nâng cấp tuyến đường lên Cảng Ba Cấp với tổng mức đầu tư 80 tỷ đồng sẽ được thi công hoàn trả khi Dự án Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng hoàn thành; mở rộng và nâng cấp Đường tỉnh 435 đi qua các xã Bình Thanh và Thung Nai, huyện Cao Phong và xã Ngòi Hoa, huyện Tân Lạc dài 24,8km, đạt tiêu chuẩn đường cấp III-Miền núi với tổng mức đầu tư 756 tỷ đông; xây dựng đường giao thông trục chính của đảo Sung, xã Tiền Phong, huyện Đà Bắc có chiều dài 2,25 km với tổng mức đầu tư 18 tỷ đồng; đầu tư, hỗ trợ thực hiện cải tạo sân phục vụ sinh hoạt cộng đồng tại Xóm Ké, xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc; cải tạo tuyến đường lên Điểm du lịch cộng đồng xóm Ngòi và đường vào tham quan di tích quốc gia động Hoa Tiên tại xã Suối Hoa, huyện Tân Lạc với tổng mức đầu tư trên 4 tỷ đồng...; tiếp tục khảo sát mở tuyến đường dọc hai bên khu du lịch hồ Hòa Bình để kết nối các điểm du lịch và thu hút đầu phát triển du lịch.
Đến thời điểm hiện tại, tỉnh Hòa Bình có: 67 dự án đầu tư lĩnh vực du lịch, trong đó có 03 dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 36.477,248 tỷ đồng (tính từ năm ban hành Chương trình hành động thu hút được 33 dự án, trong đó có 01 dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 24.886,639 tỷ đồng); có 448 cơ sở lưu trú được thẩm định, trong đó có 09 khách sạn 3 sao; 26 khu nghỉ dưỡng và khách sạn 2 sao, 6 khách sạn 1 sao, 06 căn hộ đạt chuẩn; 401 nhà nghỉ, nhà sàn du lịch cộng đồng; có 09 Điểm du lịch địa phương, 01 Khu du lịch cấp tỉnh đã công nhận; có 07 Công ty lữ hành nội địa, Chi nhánh văn phòng đại diện hoạt động trên địa bàn tỉnh; có trên 200 xe điện và trên 300 phương tiện vận chuyển thủy, bộ tham gia phục vụ vận chuyển khách.
Tính từ thời điểm ban hành Chương trình hành động, đã có nhiều sản phẩm du lịch có chất lượng được xây dựng và đưa vào phục vụ, được du khách đánh giá cao như: Khách sạn Sakura, khách sạn Sojo, khu nghỉ dưỡng Hasu Village, Sân Golf Hill Top Valley (Thành phố Hòa Bình); Khách sạn Khoa Thanh, khu nghỉ dưỡng Mai Châu Hideaway, Ba Khan Village Resort, Avana Retreat (Mai Châu); Serena Resort, An Lạc Eco-Farm (Kim Bôi); Làng Sỏi Eco-Farm (Lạc Thủy); Khu nghỉ dưỡng sinh thái Ivory Resort (Lương Sơn)...
Trong 05 năm thực hiện Chương trình, giai đoạn 2017-2022, du lịch Hoà Bình có mức tăng trưởng tốt. Số khách du lịch tăng bình quân trên 10%/năm; tổng thu từ khách du lịch tăng bình quân khoảng 26%/năm. Tuy nhiên giai đoạn 2020 - 2021, do ảnh hưởng của dịch Covid 19, số khách và tổng thu từ hoạt động du lịch giảm mạnh, không đạt được mục tiêu theo kế hoạch đề ra.
Thời gian tới, tỉnh tiếp tục huy động sức mạnh của toàn xã hội, phối hợp công tư trong việc thực hiện các mục tiêu cụ thể của Chương trình, phấn đấu đến năm 2025 cơ sở lưu trú đạt trên 6 nghìn phòng; đạt 4,9 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế là 1 triệu lượt; tổng thu từ hoạt động du lịch đạt khoảng 5,4 nghìn tỷ đồng; tạo việc làm cho khoảng 26 nghìn lao động, trong đó gần 9 nghìn lao động trực tiếp có chuyên môn nghiệp vụ về du lịch. Tiếp tục duy trì mức tăng trưởng của ngành du lịch. Thu hút được một số dự án sinh thái, nghỉ dưỡng đảm bảo với yếu tố xanh, thân thiện với môi trường, có bản sắc văn hóa đặc trưng của các dân tộc tỉnh Hoà Bình đạt tiêu chuẩn 4, 5 sao; phấn đấu xây dựng Khu du lịch hồ Hòa Bình cơ bản đạt các điều kiện của Khu du lịch quốc gia vào năm 2025./.