Dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị, đồng chí Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Thông thông tin và Truyền thông cho biết: Hiện nay khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và cách mạng công nghiệp lần thứ tư (cách mạng 4.0) đang diễn ra rất nhanh, tác động sâu rộng và đa chiều lên tất cả các ngành, lĩnh vực kinh tế - xã hội của đất nước, thúc đẩy chuyển đổi số toàn dân và toàn diện. Điều này mở ra cho lĩnh vực thông tin cơ sở những thời cơ, vận hội mới để chuyển mình, đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số và hiện đại hóa. Hệ thống thông tin và truyền thông quốc gia đang phát triển mạnh mẽ, hiện đại và kết nối rộng khắp. Các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu lớn tạo nền tảng phát triển ứng dụng công nghệ, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, đô thị thông minh, phát triển kinh tế số và xã hội số ngày càng được hoàn thiện, mang lại hiệu quả cao. Đồng thời, chuyển đổi số, hiện đại hóa thông tin cơ sở dựa trên hạ tầng Viễn thông và các nền tảng công nghệ mới trong nước đã có sẵn nên giá thành đầu tư, chi phí quản lý, sử dụng rẻ hơn. Việc này giúp giải bài toán thiếu nhân lực làm công tác thông tin, tuyên truyền ở cơ sở...
“Trong điều kiện đó, thông tin cơ sở phải thay đổi căn bản phương thức tổ chức và quản lý theo hướng ứng dụng mạnh mẽ công nghệ số, CNTT để hiện đại hóa, liên thông đồng bộ từ Trung ương, cấp tỉnh, cấp huyện đến cơ sở; để thông tin chỉ đạo điều hành từ trên xuống cơ sở nhanh hơn, kịp thời hơn. Người dân có thêm kênh thông tin giúp tương tác thuận lợi hơn với chính quyền, cơ sở quản lý các cấp trên môi trường số và chính quyền cơ sở có thêm phương tiện, công cụ hiện đại phục vụ cho công tác quản lý và điều hành”,
Tại hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Tạo - Cục trưởng Cục Thông tin cơ sở cũng chỉ rõ đối với Nội dung cơ bản của Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở giai đoạn 2021-2025: Đây là lần đầu tiên, lĩnh vực thông tin cơ sở có chiến lược phát triển riêng, trong đó xác định rõ quan điểm, tầm nhìn chiến lược, mục tiêu cụ thể, nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá để hiện đại hóa, phát triển thông tin cơ sở trong 5 năm. Chiến lược xác định tầm nhìn đưa thông tin cơ sở trở thành kênh thông tin hiện đại, đáp ứng nhu cầu thông tin thiết yếu của người dân, tương tác thông tin 2 chiều giữa chính quyền với người dân trên môi trường số; phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của chính quyền, cơ quan quản lý các cấp; người dân tham gia nhiều hơn vào các hoạt động của chính quyền, cùng tạo ra giá trị, lợi ích, sự hài lòng và tạo niềm tin, sự đồng thuận xã hội ngay từ cơ sở... Để hiện thực hóa các mục tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển lĩnh vực thông tin cơ sở đến năm 2025 là chuyển đổi số hoạt động thông tin cơ sở. Theo đó, nhiều nhiệm vụ sẽ được triển khai như: Tổ chức đánh giá hiệu quả hoạt động thông tin cơ sở, phục vụ công tác quản lý Nhà nước trên môi trường số; Tổ chức cung cấp tài liệu và các hình thức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, kỹ năng tuyên truyền; Tổ chức hoạt động thu thập, tổng hợp và xử lý dữ liệu về ý kiến phản ánh của người dân về hiệu quả thực thi chính sách, pháp luật ở cơ sở trên môi trường số...
Nhận định truyền thanh sử dụng phương thức truyền dẫn tín hiệu âm thanh trên hạ tầng Viễn thông, Internet là một giải pháp công nghệ mới tạo sự thay đổi lớn cho lĩnh vực thông tin cơ sở những năm gần đây, đại diện Cục Thông tin cơ sở còn cho biết, từ năm 2018 đến tháng 12/2021, cả nước đã có 46 tỉnh, thành phố đầu tư mới cho những xã chưa có đài hoặc đầu tư chuyển đổi từ Đài Truyền thanh có dây/không dây FM sang truyền thanh ứng dụng CNTT-VT được 628 đài, với tổng số 6.272 cụm loa; năm 2018 là 11 đài.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các báo cáo viên đến từ các Cục: Thông tin cơ sở, Tin học hóa, An toàn thông tin thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông đã cập nhật, phổ biến tới cán bộ làm công tác thông tin cơ sở trên cả nước về quy định quản lý đài truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-Viễn thông; hướng dẫn xây dựng hệ thống thông tin nguồn Trung ương, cấp tỉnh và kết nối các hệ thống thông tin, cũng như hướng dẫn an toàn thông tin đối với hệ thống Đài Truyền thanh cấp xã ứng dụng CNTT-Viễn thông./.