Sáng 28/9, Sở Tư pháp tổ chức khai mạc Hội nghị tập huấn nghiệp vụ hộ tịch cho công chức tư pháp hộ tịch cấp xã năm 2016. Tham dự lớp tập huấn có 210 học viên là công chức hộ tịch của 210 xã phường trong toàn tỉnh.
Trong 02 ngày tập huấn, các học viên được nghiên cứu 8 chuyên đề gồm: Công tác đăng ký, quản lý hộ tịch của UBND xã, phường, thị trấn; Đăng ký khai sinh; Đăng ký giám hộ, đăng ký nhận cha, mẹ, con; Đăng ký kết hôn, cấp giấy xác nhận tình trạng hôn nhân; Thực hiện liên thông các thủ tục hành chính (Đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú; cấp thẻ bảo hiểm Y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi); Đăng ký khai tử; Đăng ký thay đổi, cải chính, bổ sung hộ tịch, xác định lại dân tộc và Ghi vào sổ hộ tịch việc thay đổi hộ tịch.
Luật Hộ tịch năm 2014 được Quốc hội thông qua là bước ngoặt quan trọng trong công tác đăng ký, quản lý hộ tịch. Lần đầu tiên nước ta có văn bản ở tầm Luật quy định riêng về vấn đề này sau hơn 60 năm thực hiện bằng các Nghị định của Chính phủ. Luật Hộ tịch 2014 khi được thực hiện sẽ tác động mạnh mẽ tới nhận thức của người dân thực hiện quyền, nghĩa vụ đăng ký hộ tịch, giảm đáng kể chi phí thực hiện thủ tục hành chính của cả người dân và cơ quan Nhà nước. Luật Hộ tịch có hiệu lực và đi vào cuộc sống từ ngày 01/01/2016. Chính vì vậy, tập huấn nghiệp vụ công tác hộ tịch có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao kiến thức và kỹ năng về xử lý các tình huống thực tế liên quan đến công tác hộ tịch cho các công chức hộ tịch cấp xã. Góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác tư pháp ở xã, phường, thị trấn để đáp ứng yêu cầu khách quan của công tác quản lý dân cư, quản lý xã hội trong giai đoạn hiện nay; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước tại địa phương. Đồng thời, hội nghị tập huấn cũng là cơ hội để các công chức hộ tịch cấp xã trao đổi, học hỏi, chia sẻ những kinh nghiệm trong công tác tư pháp – hộ tịch ở địa phương mình.