Đặc biệt, sau khi Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 18-NQ/TU ngày 12/02/2015 về tạo nguồn thu và tăng cường quản lý thu NSNN trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2016-2020 số thu NSNN bình quân hằng năm đạt 10,2%, gấp 1,3 lần so với bình quân chung của cả nước (8%/năm). 8 tháng đầu năm 2021, thu NSNN trên địa bàn ước đạt 2.746,9 tỷ đồng, bằng 93% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ và 54% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Trong đó thu nội địa ước đạt 2.432,8 tỷ đồng, bằng 59% so với dự toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 50% so với chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh. Một số nguồn thu có mức tăng trưởng khá như thu từ tiền sử dụng đất, thu từ xuất nhập khẩu…8 tháng đầu năm 2021, thu xuất nhập khẩu ước đạt 314,2 tỷ đồng, bằng 157% so với toán Thủ tướng Chính phủ giao và bằng 126% chỉ tiêu Nghị quyết HĐND tỉnh.
Tuy nhiên, nguồn thu của tỉnh còn rất hạn hẹp, cơ cấu thu thiếu tính bền vững, chưa có nguồn thu chủ lực. Số thu NSNN chưa tương xứng với tiềm năng của tỉnh, chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu chi ngân sách địa phương. Thiếu cơ chế để khuyến khích, thu hút đầu tư nhằm tạo nguồn thu mới; tình trạng nợ đọng thuế kéo dài vẫn còn diễn ra; cơ cấu chi chưa hợp lý, chi đầu tư phát triển chiếm tỷ lệ nhỏ trong chi ngân sách địa phương, chi thường xuyên hiệu quả chưa cao. Môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách hành chính đã được cải thiện nhưng chưa thực sự hiệu quả…
Từ nay đến hết năm 2025, tỉnh ta xác định mục tiêu tăng thu NSNN bền vững theo hướng ưu tiên đầu tư vào các dự án, công trình phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhưng có khả năng tự tiếp tục tái tạo nguồn thu, xác định thu NSNN từ doanh nghiệp, hợp tác xã, dự án đầu tư là chính và lâu dài. Trước mắt cần tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Trung ương, nguồn vay ODA và thu từ sử dụng đất, đồng thời sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn này để xây dựng nguồn thu lâu dài cho thời gian tới. Tăng thu NSNN nhằm nâng cao chất lượng đời sống về vật chất và tinh thần của người dân; hoàn thiện cơ sở hạ tầng ngày càng hiện đại, đồng bộ; nâng cao vị thế tỉnh Hòa Bình; chủ động ngân sách, giảm dần phụ thuộc vào hỗ trợ từ Trung ương. Cơ cấu lại chi ngân sách địa phương theo hướng giảm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển; kiểm soát chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả chi NSNN.
Tỉnh ta phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn bình quân tối thiểu đạt 9%/năm, kim ngạch xuất khẩu hàng năm tăng bình quân 18%/năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,5-3%/năm. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng/năm, tỷ lệ đô thị hóa đạt 38%. Thu NSNN đạt khoảng 10.000 tỷ đồng, tương đương với tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021-2025 là 19,4%/năm. Tự đảm bảo được khoảng 50% nhiệm vụ chi ngân sách địa phương của tỉnh…
Để đạt được các mục tiêu, Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 31/5/2021 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã đề ra 15 nhiệm vụ, giải pháp: Xây dựng hoàn thành đồng bộ quy hoạch của tỉnh, quy hoạch xây dựng, quy hoạch đất đai. Thực hiện tốt công tác CCHC, đặc biệt là cải cách TTHC và chuyển đổi số, cắt giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết các thủ tục hành chính tại các cơ quan Nhà nước so với quy định hiện hành. Tăng cường xúc tiến đầu tư, xây dựng cơ chế ưu đãi nhằm thu hút những dự án có năng lực vào các KCN, CCN. Lập, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2021-2030 để tích hợp vào quy hoạch tỉnh nhằm phân bổ và khoanh vùng đất đai theo không gian sử dụng cho các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu. Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án phát triển vùng động lực giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2035. Kiện toàn và tiếp tục duy trì hoạt động thường xuyên của Ban chỉ đạo thu nộp NSNN các cấp. Thực hiện tốt công tác xây dựng, lập dự toán thu NSNN hằng năm. Thực hiện phân cấp cho các huyện, thành phố trong đấu giá đất, phân cấp xây dựng, phân cấp đầu tư. Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất cơ chế thưởng vượt dự toán thu điều tiết về ngân sách cấp tỉnh để khuyến khích các huyện, thành phố trong công tác thu NSNN. Tăng cường quản lý chặt chẽ, nuôi dưỡng nguồn thu. Tạo điều kiện hoàn thiện, nâng cấp cơ sở vật chất, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, tạo môi trường thuận lợi để thu hút doanh nghiệp địa phương khác đến làm thủ thục xuất nhập khẩu. Cơ cấu lại chi ngân sách địa phương theo hướng tăng tỷ trọng chi đầu tư, giảm dần tỷ trọng chi thường xuyên. Đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao hiệu quả đầu tư công. Gắn việc thực hiện hoàn thành dự toán thu NSNN hằng năm với công tác thi đua, khen thưởng. Các cơ quan chức năng thực hiện giám sát, đôn đốc xử lý nợ đọng, thu nộp NSNN…/.