
Tính đến tháng 10/2011, trên cả nước có 4.575 làng nghề thuộc 55 tỉnh, thành phố, trong đó 1.324 làng nghề và làng nghề truyền thống đã được công nhận. Hoạt động các làng nghề đã thu hút hơn 11 triệu lao động với 30% lực lượng lao động nông thôn. Mức thu nhập từ sản xuất nghề cao hơn nhiều so với nguồn thu từ nông nghiệp, thu nhập trung bình của người lao động đạt từ 450.000 - 4 triệu đồng/người/tháng, gấp từ 1,5 – 4 lần so với lao động thuần nông.
Đối với tỉnh ta, theo thống kê của 6/11 huyện, thành phố cho thấy, một số địa phương đã triển khai tích cực, thu được một số kết quả nhất định. Trên địa bàn thành phố, tổng số sản xuất các ngành nghề nông thôn trong năm 2010 đã có 1.440 cơ sở tham gia làm nghề, tăng 586 cơ sở so với năm 2006. Có 1.257 hộ, 5 HTX được vay vốn sản xuất với tổng vốn trên 42,3 tỷ đồng. Huyện Đà Bắc có 21 doanh nghiệp, 10.514 hộ được vay vốn với tổng vốn trên 207 tỷ đồng. Huyện Tân Lạc có 15 HTX, 34 doanh nghiệp, 23.603 hộ gia đình được vay vốn với tổng số trên 340 tỷ đồng. Huyện Lạc Thủy có 3 doanh nghiệp, 14.157 hộ được vay vốn với tổng vốn gần 307 tỷ đồng. Huyện Mai Châu có 5 HTX, 2.304 hộ vay vốn với tổng vốn gần 227 tỷ đồng. Tuy nhiên, nhìn chung, ngành nghề nông thôn của tỉnh vẫn còn đang ở quy mô nhỏ. Hiện trên địa bàn tỉnh chưa có làng nghề nào đủ tiêu chuẩn đạt tiêu chí của Bộ NN&PTNT. Trong giai đoạn 2011 – 2015, tỉnh ta đã đề ra 5 nhiệm vụ chính. Trong đó, nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu tiếp tục tiến hành rà soát lại các cơ sở sản xuất TTCN, ngành nghề nông thôn trên địa bàn toàn tỉnh, hướng dẫn các đơn vị, cơ sở có đủ điều kiện công nhận nghề truyền thống, làng nghề và làng nghề truyền thống, đồng thời, đăng ký chất lượng sản phẩm ngành nghề nông thôn, bảo vệ môi trường.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Hồ Xuân Hùng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT đã tổng hợp các ý kiến đóng góp, những vấn đề bất cập từ các địa phương, thông qua đó, trình Chính phủ và các bộ, ngành tìm hướng sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp lý, tạo mọi thuận lợi cho phát triển nghề truyền thống trong những năm tiếp theo. Thứ trưởng Hồ Xuân Hùng cũng đề nghị các địa phương cần thực hiện quy hoạch quy hoạch đồng bộ, gắn phát triển nghề truyền thống với phát triển nông thôn mới; tập trung chỉ đạo xử lý căn bản việc ô nhiễm môi trường tại các làng nghề; không ngừng phát huy thế mạnh cần có riêng cơ chế thúc đẩy làng nghề địa phương phát triển; đặc biệt, cần chú trọng đến chính sách bảo tồn các nghề truyền thống; các cấp hội cần có sự liên kết chặt chẽ hơn nữa, vận động hội viên chấp hành tốt các nội dung phát triển làng nghề nông thôn ở địa phương.