Thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Phát huy mạnh mẽ giá trị văn hoá, sức mạnh con người Việt Nam và sức sáng tạo của mỗi cá nhân. Từng bước xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, lành mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; bảo đảm cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân, tinh thần xuyên suốt là “không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Tại tỉnh Hòa Bình, những năm qua kinh tế - xã hội có bước phát triển tích cực, giai đoạn 2016 – 2020: Bình quân 5 năm (2016-2020) giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh tăng 9,15%/ năm, thu NSNN tăng 17%/năm, GRDP bình quân đầu người đạt 64 triệu đồng, thu NSNN đạt 5.000 tỷ đồng; có 2.470 DN, HTX hoạt động có hiệu quả tăng gấp 2 lần năm 2015; tỷ lệ đô thị hoá đạt 25%; số xã đạt chuẩn NTM đạt tỷ lệ 45%; 10 chỉ tiêu xã hội và môi trường đều đạt và vượt mục tiêu kế hoạch.
Công tác giáo dục trẻ em người dân tộc tiếp tục được quan tâm thực hiện, hệ thống các trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú được mở rộng về quy mô, nâng cấp về cơ sở vật chất. Đảm bảo chế độ, chính sách ưu đãi đối với học sinh diện chính sách xã hội, học sinh vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, quan tâm tạo cơ hội học tập cho học sinh khuyết tật. Các cơ sở vật chất trường vùng khó khăn ngày càng được tăng cường, giáo viên và học sinh ngày càng nhanh chóng được tiếp cận với các phương tiện và phương pháp giảng dạy mới, hiện đại. Đến nay, 100% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi và đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 2, đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3; 99,3% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phố cập giáo dục trung học cơ sở mức độ 2 (trong đó 7 huyện, thành phố đạt chuẩn mức độ 3). Hoạt động khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cho Nhân dân tiếp tục được đảm bảo, thực hiện tốt chế độ thường trực 24/24, đặc biệt trong dịp lễ, tết. Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho Nhân dân, bảo đảm tất cả người bệnh cấp cứu được khám và điều trị kịp thời. Đến hết năm 2022, có 9,07 bác sỹ/vạn dân, 28,16 giường bệnh/vạn dân, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 90%.
Công tác đảm bảo an sinh xã hội được quan tâm thực hiện và đạt nhiều kết quả tích cực thông qua thực hiện các phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo không để ai bị bỏ lại phía sau” gắn với phong trào thi đua “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”. Thực hiện đầy đủ các chính sách ưu đãi về tín dụng, y tế, giáo dục, đầu tư hạ tầng, phát huy tối đa mọi nguồn lực trong xã hội, lồng ghép các chương trình, dự án để giúp hộ nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững. Giai đoạn 2018¬2021, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2,83%; Năm 2022, số hộ nghèo còn lại 27.091 hộ/220.464 hộ trên địa bàn, chiếm 12,29 %; tỷ lệ nghèo giảm 3,2%/2,5%= 128% KH tỉnh giao, tương ứng giảm 6.873 hộ nghèo; Hộ cận nghèo còn lại 22.114 hộ/220.464 hộ chiếm tỷ lệ 10,03% so với tổng số hộ trên địa bàn, giảm 0,67% tương đương 1.378 hộ so năm 2021. Tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện nghèo Đà Bắc giảm 6,62/6,36 =104,1% Kế hoạch của tỉnh giao, tương đương giảm 941 hộ nghèo.
Các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện tốt phong trào đền ơn đáp nghĩa, các chính sách trợ cấp thường xuyên và trợ cấp một lần đối với người có công đảm bảo được giải quyết kịp thời; thực hiện xét duyệt danh sách cấp thẻ Bảo hiểm y tế cho người có công và thân nhân. Thực hiện đầy đủ các chính sách đối với các đối tượng chính sách xã hội và người nghèo; tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; các mô hình giảm nghèo được nhân rộng tại các địa phương. Công tác hỗ trợ, thăm hỏi tặng quà cho các đối tượng người có công, bảo trợ xã hội, hộ nghèo, đồng bào sinh sống tại các xã vùng khó khăn,... được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở thực hiện tốt. Các chương trình, dự án, chính sách dân tộc tiếp tục được triển khai thực hiện, lồng ghép như: Chương trình 135; Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số theo Quyết định 12/2018/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ; Chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2017-2020 theo Quyết định 2085/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ,... nhằm phục vụ sản xuất, hỗ trợ nhà ở, nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống cho Nhân dân.
Bên cạnh đó, công tác bảo vệ môi trường, phát triển bền vững được quan tâm. Các dự án trước khi triển khai đều được thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, phương án cải tạo, phục hồi môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường theo quy định . Các nguồn, cơ sở gây ô nhiễm môi trường đã được nhận diện và kiểm soát. Tăng cường công tác kiểm tra, điều tiết nguồn nước, đảm bảo nước phục vụ sản xuất; duy trì thường xuyên chế độ tuần đê, kiểm tra các tuyến đê cấp III, các cống dưới đê và thực hiện tốt công tác chuẩn bị các điều kiện ứng phó với mùa mưa bão. Thực hiện tốt các chương trình phát triển rừng, trồng rừng thay thế đối với các dự án có sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất lâm nghiệp sang mục đích phi lâm nghiệp, tỷ lệ che phủ rừng duy trì ổn định hằng năm đạt 51,5%./.