
Trên cơ sở thực tế đi thăm mô hình sản xuất rau su su, củ cải, bắp cải .... tại hai HTX, ghi nhận ý kiến của huyện và các ngành, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đề nghị ngay trong thời gian tới phải quan tâm và quyết tâm làm được việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm rau an toàn gắn với xúc tiến đầu tư vào lĩnh vực này tại huyện; Tiến hành tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại ngay tại địa phương với các doanh nghiệp nhằm giới thiệu và tăng cường quảng bá, kêu gọi đầu tư vào sản xuất rau su su an toàn.
Hiện nay huyện Tân Lạc có 05 xã vùng cao có tiềm năng sản xuất rau su su và các loại rau ôn đới với diện tích khoảng 120 ha. Việc sản xuất rau su su được bắt đầu triển khai từ năm 2008, các sản phẩm được kết nối và tiêu thụ với các đơn vị kinh doanh rau an toàn ở các tỉnh bạn và thành phố Hà Nội. Hiện tổng diện tích sản xuất thực là khoảng 52 ha,cho năng suất bình quân 63 tấn/ha/năm, sản lượng trên 3.200 tấn/năm. Giá bán bình quân 4.000 đồng/kg, thu nhập 252 triệu đồng/ha/năm.
Từ năm 2016, được sự hỗ trợ của tổ chức GNI (Hàn Quốc) huyện đã trồng thử nghiệm khoảng 3ha tại xã Quyết Chiến và Lũng Vân một số loại rau nguồn gốc ôn đới như Củ cải Hàn Quốc, Hành Hàn Quốc, Cải thảo, Cà chua, Cà lách xoăn, Cải bắp. Các loại rau trên được trồng vào vụ xuân và xuân hè nhằm tạo nguồn cung cấp rau ôn đới trái vụ. Tới nay bước đầu đã cho kết quả khá tốt.
Qua đánh giá sau 10 năm phát triển, sản phẩm rau su su đã phát huy được thế mạnh của địa phương. Hiện hàng ngày cho thu trên 15 tấn rau, trong đó chủ yếu được tiêu thụ tại thị trường Hà Nội. Rau ôn đới trái vụ bước đầu cho sản lượng khá, chất lượng rau rất tốt, 5 tháng đầu năm 2017 cho sản lượng trung bình 10 tấn/ha, giá trị sản phẩm trên 200 triệu đồng/ha, sản phẩm đã được giới thiệu tại thành phố Hà Nội và thành phố Hòa Bình.
Tuy nhiên, do giao thông đi lại khó khăn, chi phí vận chuyển lớn, lại phải cạnh tranh với sản phẩm cùng loại các địa phương khác nên giá sản phẩm chưa cao. Nguồn nước tưới chưa chủ động được. Việc sơ chế sau thu hoạch chưa bài bản. Sản phẩm rau su su của Tân Lạc đã được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhưng công tác quảng bá sản phẩm còn hạn chế, sức cạnh tranh trên thị trường chưa cao.
Định hướng thời gian tới, huyện sẽ tích cực chuyển giao KHKT, sản xuất theo hướng nông nghiệp hữu cơ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Kêu gọi doanh nghiệp đầu tư liên kết sản xuất, chế biến, quảng bá và tiêu thụ sản phẩm rau. Quy hoạch lại vùng sản xuất sau su su khoảng 100 ha tại xã Quyết Chiến, Lũng Vân, Nam Sơn, Ngổ Luông. Mở rộng diện tích trồng rau ôn đới, dự kiến khoảng 20 ha gắn với phát triển rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGap.