Theo thống kê của Sở LĐ-TB&XH, toàn tỉnh có trên 54.000 lao động làm việc tại hơn 2.500 doanh nghiệp, chi nhánh, văn phòng đại diện các công ty trong và ngoài tỉnh, hợp tác xã hoạt động theo Luật doanh nghiệp đăng ký hoạt động sản xuất kinh doanh. Có 4 Khu công nghiệp được cấp chứng nhận đầu tư, với 45 doanh nghiệp đang hoạt động, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 13.000 lao động. Giai đoạn 2013 - 2016, công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trên địa bàn tỉnh đã được các cấp, các ngành từ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh, các Sở, ban, ngành quan tâm chỉ đạo thực hiện. Ở cấp tỉnh, đã thành lập Ban Điều hành đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động và người sử dụng lao động trong các loại hình doanh nghiệp; công tác tổ chức, cách thức triển khai Đề án phù hợp với điều kiện hoàn cảnh địa phương; các cơ quan, tổ chức thành viên của Đề án có sự phối kết hợp chặt chẽ với nhau để cùng triển khai thực hiện giúp công tác tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật được đồng bộ và số lượng đối tượng được tuyên truyền ngày một nhiều. Từ năm 2010 đến 2016 công tác tuyên truyền pháp luật cơ bản đạt mục tiêu 95% người sử dụng lao động, 70% người lao động trong các loại hình doanh nghiệp được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp. Đạt 100% chủ sử dụng lao động và cán bộ làm công đoàn trong doanh nghiệp nhà nước, 100% lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài được tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật liên quan tới quyền và nghĩa vụ của công dân và người lao động.
Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho người lao động trong các loại hình doanh nghiệp còn một số khó khăn, vướng mắc như: Phần lớn các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực may mặc, lắp ráp điện tử ..., lao động chủ yếu mang tính chất gia công, công đoạn, trình độ và hiểu biết của người lao động không đồng đều. Số doanh nghiệp có thành lập tổ chức Công đoàn còn ít (191 doanh nghiệp), hoạt động của tổ chức Công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Có thể khẳng định, việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho công nhân lao động trong doanh nghiệp là rất cần thiết và quan trọng, góp phần nâng cao nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người lao động và người sử dụng lao động tự bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình, từ đó xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp. Chính vì vậy, thời gian tới, các ngành chức năng trong tỉnh cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật cho người lao động; lồng ghép nội dung tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các quy định của pháp luật; tăng cường thanh tra, kiểm tra chuyên đề, kiểm tra liên ngành, kịp thời uốn nắn hướng dẫn thực hiện các quy định của pháp luật nhằm nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động đối với các quy định của pháp luật. Đồng thời, tiếp tục tuyên truyền dưới các hình thức cụ thể như: tổ chức các hội nghị, hội thảo tọa đàm, các lớp tập huấn tuyên truyền phổ biến pháp luật; cấp phát tờ rơi, tờ gấp tài liệu tuyên truyền đến người lao động; tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các quy định pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp và quyền, nghĩa vụ công dân và người lao động trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp với cơ quan Tòa án, đưa các vụ án liên quan đến tranh chấp lao động ra xử lưu động và đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng. Có các chính sách khuyến khích doanh nghiệp tự tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động và các pháp luật khác liên quan tới hoạt động của doanh nghiệp, quyền, nghĩa vụ của công . Bên cạnh đó, tập trung đào tạo, chuyên môn hóa đội ngũ cán bộ làm công tác tuyên truyền và hạn chế hoặc không thực hiện công tác luân chuyển cán bộ thực hiện công tác tuyên truyền./.