DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hòa Bình

18/08/2023 16:30
Thời gian qua, công tác bảo đảm an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) đã được chú trọng triển khai toàn diện, rộng khắp trong các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Việc thực hiện các quy định của pháp luật về ATVSLĐ từng bước đi vào nền nếp, các doanh nghiệp đã có nhiều biện pháp tăng cường công tác quản lý nhà nước về ATVSLĐ; các chế độ chính sách về bảo hiểm xã hội nói chung, bảo hiểm tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp nói riêng đã được các cơ quan đơn vị thực hiện kịp thời. Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm ATVSLĐ tại đơn vị.
Các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn TPHB cơ bản thực hiện đầy đủ các quy định về bảo đảm ATVSLĐ tại đơn vị

Nhằm chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, giảm ô nhiễm môi trường lao động, ngăn chặn tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, ngày 15/8/2023, UBND thành phố Hòa Bình ban hành Công văn số 2856/UBND-LĐTBXH về việc tăng cường triển khai công tác an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Hòa Bình. Theo đó, Ủy ban nhân dân thành phố đề nghị các đơn vị triển khai thực hiện:

Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố: Tiếp tục đẩy mạnh quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn về an toàn, vệ sinh lao động để người sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh. Bố trí kinh phí để huấn luyện công tác an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động làm việc trong khu vực không có quan hệ lao động làm các công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động (đặc biệt là lực lượng lao động làm việc trong các ngành nghề có nguy cơ cao mất an toàn, vệ sinh lao động như: khai thác khoáng sản, xây dựng, cơ khí, chế biến gỗ và các sản phẩm từ gỗ...) theo quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và Nghị định số 44/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động về hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.

Tăng cường công tác kiểm tra về an toàn, vệ sinh lao động, đề xuất, xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm về an toàn, vệ sinh lao động. Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ 6 tháng và hàng năm về tai nạn lao động trong khu vực không có quan hệ lao động theo quy định tại Nghị định số 39/2016/NĐ-CP ngày 15/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động.

Ủy ban nhân dân các phường, xã: Đẩy mạnh quán triệt Chỉ thị số 29-CT/TW ngày 18/9/2013 của Ban Bí thư về đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế để nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh và người lao động về công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục, hướng dẫn các doanh nghiệp thực hiện Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn về an toàn, vệ sinh lao động để người sử dụng lao động và người lao động thực hiện nghiêm công tác an toàn, vệ sinh lao động trong quá trình sản xuất, kinh doanh.

Tuyên truyền, yêu cầu các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh (đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động khai thác khoáng sản, xây dựng, xây lắp, chế biến, chế tạo…) trên địa bàn thực hiện nghiêm các nội dung sau: Xây dựng nội quy lao động, quy trình vận hành máy, thiết bị, các biện pháp làm việc an toàn, vệ sinh lao động và niêm yết tại các vị trí làm việc của người lao động. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành các nội quy, quy trình, biện pháp làm việc an toàn của người lao động, đặc biệt là những vị trí, công việc, thời điểm (đầu ca làm việc và cuối ca làm việc) tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn lao động; có biện pháp thắt chặt kỷ luật lao động, tổ chức và phân công lao động hợp lý tại doanh nghiệp; phải gắn liền nhiệm vụ sản xuất kinh doanh với nhiệm vụ thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động. Tổ chức công tác huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động, khám sức khỏe định kỳ, trang bị đầy đủ phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động; kiểm định kỹ thuật an toàn, khai báo sử dụng các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn, vệ sinh lao động và thực hiện các quy định khác theo quy định của pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Các doanh nghiệp để xảy ra tai nạn lao động phải khắc phục hậu quả tai nạn lao động và thực hiện các chế độ cho thân nhân người bị nạn theo đúng quy định của pháp luật.

Liên đoàn Lao động thành phố: Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người lao động chấp hành quy định, nội quy, quy trình, biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động. Phối hợp với Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố và các đơn vị liên quan tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra và giám sát việc thực hiện công tác an toàn, vệ sinh lao động đối với các doanh nghiệp trên địa bàn./.