Triển khai thực hiện Kế hoạch bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 theo quyết định số 1435/QĐ-TTg ngày 18/8/2014 của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Hòa Bình gặp nhiều khó khăn trong việc đầu tư xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường và triển khai các dự án thuộc nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, tỉnh vẫn luôn quan tâm sát sao đến việc triển khai các chương trình, dự án đầu tư xử lý ô nhiễm như: Chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu ban hành văn bản đề xuất triển khai ứng dụng lò đốt rác thải sinh hoạt; thẩm định và kiểm soát các dự án, các công trình xử lý chất thải trước và sau khi đi vào hoạt động. Thông qua các hoạt động thanh kiểm tra, tỉnh đã phát hiện kịp thời nhiều cơ sở, doanh nghiệp đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải còn mang tính hình thức, không hiệu quả để có các giải pháp kịp thời.
Trong năm 2015, tỉnh Hòa Bình đã xây dựng kế hoạch và triển khai công tác thanh tra, kiểm tra, cấp phép và chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường tại cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Tỉnh đã phê duyệt 172 báo cáo đánh giá tác động môi trường và 63 dự án cải tạo phục hồi môi trường hoạt động trên lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Đã tiến hành kiểm tra và xử lý 90 cơ sở, doanh nghiệp, xử phạt 05 cơ sở, doanh nghiệp có hành vi sai phạm về bảo vệ môi trường với tổng số tiền trên 78 triệu đồng. Thực hiện Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ về xử lý các cơ sở gây ô nhiễm nghiêm trọng, tỉnh Hòa Bình đã đóng cửa 01/02 cơ sở thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy do chưa xây dựng hệ thống xử lý chất thải theo tiến độ yêu cầu; 01 cơ sở còn lại đã được chứng nhận xử lý triệt để theo quy định. Đồng thời đã tiến hành xử lý đối với 21 cơ sở, doanh nghiệp nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ý thức bảo vệ môi trường của người dân chưa thành thói quen, ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của một số nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh còn chưa cao, phần lớn chạy theo lợi nhuận, do đó địa phương rất khó khăn trong kiểm soát ô nhiễm môi trường. Mặt khác, tỉnh Hòa Bình gặp khó khăn về kinh phí do đòi hỏi kinh phí rất lớn nên rất khó huy động để triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng các công trình bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh nói chung và thực hiện các nhiệm vụ, dự án thuộc kế hoạch bảo vệ môi trường thuộc lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy.
Định hướng chung đến năm 2020, Ủy ban BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy yêu cầu: Hạn chế, giảm thiểu ô nhiễm và suy thoái môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy; từng bước xử lý ô nhiễm, cải thiện, nâng cao chất lượng môi trường và chất lượng nước các dòng sông, tạo hệ thống dòng chảy ổn định, bảo vệ các công trình thuỷ lợi an toàn, bền vững; khai thác, sử dụng bền vững, duy trì cân bằng nguồn nước, bảo vệ môi trường và cảnh quan sinh thái, phục vụ có hiệu quả nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trên toàn lưu vực.
Đối với các địa phương, trong đó có tỉnh Hòa Bình sẽ tiếp tục triển khai đề án Tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy. Tổ chức tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức cộng đồng về BVMT nói chung là lưu vực sông nói riêng; tổ chức các hoạt động nhằm tuyên truyền và hưởng ứng bảo BVMT. Tăng cường thanh kiểm tra công tác chấp hành pháp luật về BVMT trên địa bàn tỉnh; tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án nhằm BVMT lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy./.