DetailController

Khoa học - Môi trường

Tăng cường triển khai các biện pháp kỹ thuật, quản lý các loài thủy sản nuôi, khai thác trong mùa mưa bão

12/05/2020 00:00
Theo dự báo của Trung tâm khí tượng Thủy văn, tình hình thời tiết năm 2020 diễn biến phức tạp, nắng nóng, lũ lụt có khả năng xảy ra và nguy cơ gây thiệt hại cho hoạt động thủy sản là rất cao. Để chủ động phòng ngừa, hạn chế thiệt hại, Sở Nông nghiệp & PTNT đề nghị các địa phương chỉ đạo cơ quan chuyên môn và UBND các xã, phường, thị trấn chủ động triển khai các biện pháp kỹ thuật phòng chống thiên tai trong hoạt động thủy sản.
Lãnh đạo Sở NN&PTNT kiểm tra quy trình, kỹ thuật nuôi cá tại lòng hồ sông Đà

Toàn tỉnh hiện có 2,7 ha ao hồ nhỏ, hồ chứa; 4,6 nghìn lồng cá, 43 trang trại và HTX nuôi trồng thủy sản (trong đó có 13 cơ sở chuyên nuôi thủy sản, 30 cơ sở kết hợp nuôi thủy sản). Tổng sản lượng cá thu hoạch trong quý I ước đạt 2.626 tấn, trong đó: Sản lượng cá khai thác 375 tấn, sản lượng cá nuôi 2.251 tấn. Các cơ sở sản xuất giống của tỉnh trong quý đã sản xuất được 6 triệu con giống cá các loại để phục vụ nhu cầu của người sản xuất trong tỉnh, các cơ sở nuôi trồng thủy sản đang tích cực thực hiện các biện pháp chăm sóc, quản lý môi trường nuôi, ương nuôi cá bột, thu hoạch cá thương phẩm, cải tạo ao, hồ cho vụ sản xuất tới. Công tác thanh tra bảo vệ nguồn lợi thủy sản được tiếp tục tăng cường đã hạn chế khai thác thủy sản bằng chất nổ, xung điện, chất độc, nguồn lợi thủy sản trên hồ được bảo vệ và phát triển.

Để hạn chế tác động xấu của môi trường và thời tiết trong mùa mưa bão năm 2020 trên địa bàn tỉnh, giảm thiểu nguy cơ thất thoát tài sản, sản phẩm thủy sản trong ao hồ, lồng nuôi, Sở Nông nghiệp và PTNT đề nghị các địa phương cần tập trung đồng bộ, hiệu quả các biện pháp như: Đối với nuôi cá lồng, bè trên hồ cần tăng cường kiểm tra, giám sát các quy định về nuôi cá lồng, bè theo Quy chuẩn Việt Nam QCVN 01-80 : 2011/BNNPTNT Quy chuẩn Quốc gia cơ sở nuôi trồng thủy sản thương phẩm - Điều kiện vệ sinh thú y; Quy chuẩn Việt Nam QCVN 02-22:2015/BNNPTNT Quy chuẩn Quốc gia về cơ sở nuôi cá lồng, bè nước ngọt - Điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Kiểm tra thủy sản nuôi nếu đạt kích cỡ thương phẩm cần tiến hành thu hoạch, đối với các loài thủy sản đang nuôi cần quản lý mật độ cá nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật, thường xuyên theo dõi, kiểm tra các yếu tố môi trường như oxy, pH, H2S. Riêng đối với các hộ dân, các cơ sở nuôi cá lồng, bè vùng hạ lưu không thả cá giống nuôi trong mùa mưa lũ từ ngày 15/6 đến 15/9, các loài cá đang nuôi còn nhỏ chưa thu hoạch được thì chuyển về ao nuôi để tránh lũ; hàng năm các hộ dân, các cơ sở nuôi cá lồng, bè vùng hạ lưu nên lựa chọn đối tượng nuôi phù hợp để thả cá giống khi hết mùa lũ và thu hoạch cá thịt trước mùa lũ. Thường xuyên theo dõi tình hình xả lũ của Nhà máy thủy điện Hòa Bình để gia cố lồng, bè nuôi vững chắc, di chuyển vào nơi neo đậu an toàn, trường hợp lồng, bè đặt thành từng cụm: các cụm lồng, bè khi đặt song song phải cách nhau tối thiểu 10m; khi đặt so le, nối tiếp cách nhau tối thiểu 200m. Dụng cụ, thiết bị sử dụng trong quá trình nuôi phải đảm bảo không gây tổn hại cho đối tượng nuôi, dễ làm vệ sinh tiêu độc, khử trùng. Trong quá trình nuôi phải thường xuyên vệ sinh lồng, lưới để luôn được thông thoáng, không xả rác, thức ăn ôi thiu, nấm mốc xuống khu vực lồng, bè và môi trường xung quanh.

Đối với nuôi cá ao, hồ, đầm cần duy trì mực nước tối thiểu 1,2 m, kiểm tra tu sửa đăng, cống, đập tràn, những chỗ bờ xung yếu gia cố lại, hoặc giăng lưới quanh bờ chống thất thoát cá khi nước tràn. Đảm bảo mực nước ổn định, duy trì nước trong ao cân bằng với nước bên ngoài đề phòng mưa to, nước lớn làm vỡ bờ ao. Định kỳ bón vôi cải thiện môi trường ao nuôi 2 lần/tháng với liều lượng 2-3 kg vôi/100 m3 nước. Tăng cường cho cá ăn đầy đủ, đúng liều lượng với các loại thức ăn có hàm lượng dinh dưỡng cao và bổ sung Vitamin tổng hợp vào thức ăn cho cá với liều 2gram/kg thức ăn và ăn liền trong 7 ngày. Về khai thác thủy sản, đối với các thuyền thu mua, khai thác cá, tôm trên sông, hồ cần trang bị đầy đủ trang thiết bị an toàn như phao cứu sinh, thiết bị thông tin liên lạc; sử dụng ngư cụ khai thác thủy sản có kích thước mắt lưới phù hợp.

Bên cạnh đó, để khắc phục hậu quả sau mưa lũ, cần xả bớt nước trên tầng mặt để giảm bớt lượng nước mưa trong ao, hồ. Đồng thời tiến hành chạy máy quạt nước hoặc các loại máy bơm đảo nước, chạy máy sục khí nhằm hạn chế sự phân tầng nước đối với những ao, hồ nuôi thâm canh và bán thâm canh; với những ao, hồ, lồng nuôi bị hư hỏng sau lũ, cần tiến hành sửa chữa khắc phục ngay, khi nước ao, hồ ổn định thì tiến hành thả cá giống cỡ lớn tái phục vụ sản xuất đảm bảo năng suất, sản lượng. Sử dụng vôi và các chế phẩm sinh học, chất xử lý cải tạo môi trường dùng cho nuôi trồng thủy sản để xử lý môi trường lồng nuôi, ao nuôi. Rải vôi xung quanh bờ ao (khoảng 10kg/100m2), kết hợp bón vôi cho ao, hồ nuôi để ổn định pH nước và làm giảm độ đục của nước ao với lượng vôi bón 0,7 - 1kg/ 100m3 nước./.