Trong công tác tuyên truyền, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở đã đẩy mạnh việc quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về ứng dụng CNTT; tầm quan trọng của ứng dụng CNTT và sử dụng văn bản điện tử trên môi trường mạng trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức. Các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh đã xây dựng chuyên đề, chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về ứng dụng, phát triển CNTT, trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng.
Trong xây dựng hạ tầng kỹ thuật CNTT, đã xây dựng được 18 mạng nội bộ (LAN), mạng diện rộng của Đảng sử dụng đường truyền số liệu chuyên dùng, 18 hệ thống mạng kết nối với mạng Internet. Xây dựng được Trung tâm tích hợp dữ liệu chung của Tỉnh ủy, ứng dụng CNTT, số hóa dữ liệu văn bản lưu trữ cho các cơ quan, các tổ chức đảng, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể thống nhất; sử dụng mạng truyền số liệu chuyên dùng để kết nối mạng thông tin diện rộng của Đảng, kết nối internet; chứng thực chữ ký số… trong hệ thống các cơ quan đảng. Trao đổi văn bản điện tử trong các cơ quan Đảng, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể đạt trên 90%; giữa các cơ quan, đơn vị nhà nước dưới dạng điện tử đạt 100%. Tỷ lệ sử dụng hộp thư điện tử trên phần mềm dùng chung Lotus Notes 8.5 đạt trên 95%. Đến nay, đã cấp 44 chứng thư số cho cơ quan, tổ chức; 173 chứng thư số cho cá nhân. 100% cơ quan, đơn vị được cấp chữ ký số đều sử dụng để trao đổi văn bản điện tử trên môi trường mạng. Phần mềm quản lý văn bản và điều hành tác nghiệp đã được triển khai tới 100% cơ quan nhà nước từ cấp tỉnh đến cấp xã và kết nối liên thông với Trục liên thông văn bản quốc gia; cấp 847 chữ ký số cho tổ chức và 2.782 chữ ký số cá nhân; cấp hơn 13.000 địa chỉ thư điện tử, 100% cán bộ, công chức, viên chức từ cấp tỉnh đến cấp xã được cấp địa chỉ thư điện tử phục vụ cho việc trao đổi thông tin, văn bản. Tỷ lệ trung bình cán bộ, công chức thường xuyên sử dụng thư điện tử trong công việc tại các cơ quan đạt trên 50%.
Hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến có 01 điểm cầu tại Tỉnh ủy; 13 điểm cầu tại các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; 09/10 đảng bộ cấp huyện đã triển khai kết nối liên thông đến cấp xã; 11 điểm cầu kết nối từ Ủy ban nhân dân tỉnh tới 10 huyện, thành phố; 10/10 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã chủ động đầu tư, triển khai hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến từ cấp huyện tới cấp xã. Triển khai phòng họp không giấy tờ tại Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh. Trung tâm dữ liệu của tỉnh đã được quan tâm đầu tư, nâng cấp. Hạ tầng kỹ thuật CNTT của Trung tâm tích hợp dữ liệu gồm các trang thiết bị phần cứng, phần mềm, hạ tầng kết nối được lắp đặt và tích hợp.100% các các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã có hệ thống mạng nội bộ (LAN) và kết nối Internet băng thông rộng; tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức của các cơ quan nhà nước được trang bị máy tính phục vụ công việc tại cấp tỉnh đạt 98%, cấp huyện đạt 91%, cấp xã đạt 88%. Đã kết nối với nền tảng tích hợp, chia sẻ dữ liệu quốc gia (NGSP), đảm bảo việc gửi nhận văn bản điện tử liên thông 4 cấp.
Đến ngày 30/9/2021, Cổng dịch vụ công tỉnh Hòa Bình với tên miền “http://dichvucong.hoabinh.gov.vn” hiện đang cung cấp 1.502 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4. Tỉnh Hòa Bình đã kết nối, tích hợp 786 dịch vụ công trực tuyến với Cổng dịch vụ công quốc gia. Đã tiếp nhận, xử lý 62.576 hồ sơ trực tuyến được gửi từ Cổng Dịch vụ công Quốc gia.
Giai đoạn 2016-2021 đã tổ chức được 29 lớp tập huấn cho trên 1.600 lượt cán bộ tham gia. Trong khối Nhà nước, tỷ lệ cán bộ, công chức cấp tỉnh, cấp huyện thường xuyên sử dụng máy tính để xử lý công việc đạt 100%, cấp xã 80%. Tỷ lệ cán bộ, công chức đã được đào tạo về kỹ năng ứng dụng CNTT, quản trị chuyên sâu về CNTT đạt 80%. Công tác bảo đảm an ninh, an toàn thông tin đối với hạ tầng kỹ thuật tại các cơ quan khối chính quyền được triển khai theo mô hình 4 lớp của Bộ Thông tin và Truyền thông. Đã thành lập Đội ứng cứu sự cố an toàn thông tin mạng tỉnh Hòa Bình. Toàn tỉnh hiện có 78 máy chủ đều được cài phần mềm phòng, chống mã độc có bản quyền, đạt 100%. Đối với các máy trạm, hiện có 90% máy cài phần mềm phòng, chống mã độc. Có 08/30 đơn vị có trang bị thiết bị tường lửa, hệ thống sao lưu dữ liệu.
Tuy nhiên, hiện nay cơ sở hạ tầng về CNTT trên địa bàn tỉnh còn yếu, việc triển khai một số dự án trọng điểm còn chậm. Cán bộ chuyên trách CNTT chủ yếu là kiêm nhiệm, bán chuyên trách. Cán bộ chuyên trách CNTT cấp huyện, cấp xã có trình độ chuyên môn cao còn ít gây khó khăn trong công tác tham mưu, quản lý, vận hành ứng dụng CNTT. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh việc sử dụng hệ thống phần mềm quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử công vụ, phần mềm chuyên ngành để trao đổi thông tin giữa các cấp. Việc ứng dụng CNTT, tăng cường xử lý văn bản điện tử qua môi trường mạng phải được cụ thể hóa bằng các giải pháp cụ thể; gắn với chương trình cải cách hành chính, hướng tới mục tiêu từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại và phát triển Chính quyền điện tử của tỉnh. Xây dựng và hoàn thiện môi trường pháp lý cho ứng dụng CNTT tại các cơ quan trong hệ thống chính trị…/.