DetailController

Tin từ các đơn vị

Tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trong tình hình mới trên địa bàn tỉnh

16/12/2022 00:00
Năm 2022, công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn tỉnh luôn được Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các ngành chức năng của tỉnh và các địa phương phối hợp triển khai thực hiện đạt hiệu quả. Ban Chỉ đạo ATTP các cấp thường xuyên được kiện toàn, đảm bảo đủ thành phần, đủ sức mạnh để chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện công tác bảo đảm ATTP trên địa bàn toàn tỉnh.
Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm được thực hiện nghiêm tại các bếp ăn trường học

Trong năm, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo ATTP tỉnh xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch triển khai công tác bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội Xuân, Tháng hành động vì ATTP, tạo hành lang pháp lý cho các Sở, ban, ngành, địa phương thuận tiện trong quá trình thực hiện. Thành lập 06 đoàn kiểm tra ATTP tuyến tỉnh thực hiện kiểm tra, giám sát hoạt động 10/10 Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tuyến huyện, thành phố và Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tuyến xã, phường, thị trấn. Kết quả, Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm các huyện, thành phố và Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tuyến xã, phường, thị trấn đã triển khai và thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Ban Chỉ đạo An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình về công tác bảo đảm an toàn thực phẩm.

Công tác thông tin, tuyên truyền về ATTP được tăng cường với nhiều hình thức như phát thanh, truyền hình, băng zôn, tập huấn ATTP ... Tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, trên Website Cục An toàn thực phẩm, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, Sở Công Thương, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm, Chi cục quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản. Phát huy mạnh mẽ vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các đoàn thể nhân dân, các hiệp hội và hội nghề nghiệp, các cơ quan, đơn vị liên quan trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục về ATTP; Xây dựng các phóng sự, chuyên đề, chuyên mục tuyên truyền về ATTP phát sóng trên chương trình hàng ngày; Thực hiện các cuộc phỏng vấn trao đổi, tọa đàm ATTP.

Nêu cao vai trò trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác quản lý ATTP của các ngành, các cấp, các Ban chỉ đạo và các cơ quan đơn vị liên quan; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.  Tiếp tục cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin tạo điều kiện thuận lợi và giảm tối đa thời gian, điều kiện thực hiện các thủ tục hành chính về ATTP cho cơ sở thực phẩm. Thúc đẩy xây dựng mô hình điểm về an toàn thực phẩm, tiếp tục triển khai, thực hiện và nhân rộng các mô hình điểm trên địa bàn tỉnh.

Tổ chức thanh tra, kiểm tra liên ngành, chuyên ngành các cấp việc thực hiện các quy định về ATTP đối với các cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm... phát hiện các vi phạm xử lý nghiêm các vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm. Đã tổ chức 02 đoàn kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực Y tế; Thực hiện 02 cuộc Thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch, 02 cuộc kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực nông nghiệp và 04 cuộc truy xuất nguồn gốc sản phẩm về ATTP trong sản xuất, kinh doanh sản phẩm nông, lâm, thủy sản; Tổ chức kiểm tra, giám sát tại 73 cơ sở được cấp giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, ban hành quyết định hủy bỏ 09 Giấy xác nhận sản phẩm chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn của 09 cơ sở sản xuất, kinh doanh nông sản. Trong lĩnh vực công thương, tổ chức 03 đoàn kiểm tra; tổng số cơ sở được kiểm tra: 35 cơ sở; số cơ sở vi phạm: 03 cơ sở; số tiền xử phạt vi phạm: 8.000.000 đồng. Lực lượng Cảnh sát môi trường toàn tỉnh đã phát hiện, đấu tranh, xử lý 57 tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định về đảm bảo ATTP với tổng số tiền xử phạt là 264.300.000 đồng. Đồng thời tiêu hủy hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng trị giá là 137.550.000 đồng. Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đã tổ chức kiểm tra 108 cơ sở; số vụ vi phạm: 47 cơ sở; tổng số tiền phạt vi phạm hành chính là 100.550.000 đồng. Tuyến huyện, thành phố đã thành lập 465 đoàn kiểm tra, tiến hành kiểm tra bảo đảm ATTP Tết Nguyên đán và mùa Lễ hội xuân năm 2022, Tháng hành động vì ATTP năm 2022... kiểm tra 5.353 cơ sở, số cơ sở vi phạm là 189, tổng số tiền phạt vi phạm hành chính 114.650.000 đồng.

Ngành Y tế đã luôn chủ động phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp giám sát phòng chống ngộ độc thực phẩm và dịch bệnh truyền qua thực phẩm đối với các cơ sở thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Tổ chức các đoàn giám sát đảm bảo ATTP phục vụ các hội nghị, sự kiện lớn của tỉnh như: Bảo đảm ATTP phục vụ Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (Sea Games 31) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, bảo đảm an toàn thực phẩm phục vụ Chương trình nghệ thuật "Hòa Bình - thanh âm xứ Mường" và Carnival năm 2022…Năm 2022 toàn tỉnh xảy ra 46 ca ngộ độc thực phẩm, không có vụ ngộ độc thực phẩm đông người và không có người tử vong do ngộ độc thực phẩm. Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (Văn phòng thường trực BCĐATTP tỉnh) tham mưu cho BCĐATTP tỉnh, Sở Y tế ban hành các văn bản (Kế hoạch, Quyết định...) đúng thẩm quyền, phù hợp với thực tiễn và có tính khả thi cao, góp phần tháo gỡ những bất cập, khó khăn trong triển khai hoạt động.

Tuy nhiên, hiện nay có một số cơ sở kinh doanh mang tính chất nhỏ lẻ (thức ăn đường phố), thời vụ, không giấy phép kinh doanh, kinh doanh mang tính chất lưu động không có địa điểm cố định thậm chí theo giờ hoặc chỉ kinh doanh vào buổi tối, ngoài giờ làm việc... nên gây khó khăn cho công tác quản lý.  Ý thức chấp hành quy định pháp luật về ATTP của một số cơ sở thực phẩm chưa cao, còn chạy theo lợi nhuận, chưa quan tâm nhiều đến sức khỏe của người tiêu dùng. Một số người tiêu dùng nhận thức còn hạn chế về ATVSTP. Mặt khác, cán bộ làm công tác quản lý ATTP tuyến huyện và tuyến xã đều là kiêm nghiệm nên hoạt động tuyên truyền ATVSTP chưa thự hiện được thường xuyên, liên tục; một số Ban Chỉ đạo ATTP xã, phường, thị trấn chưa nhận thức đầy đủ vai trò trách nhiệm trong hoạt động đảm bảo ATTP tại địa phương...Do vậy công tác quản lý Nhà nước về ATTP chưa phát huy được hết vai trò.../.