DetailController

Giáo dục

Tăng cường thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19

09/11/2022 00:00
Hiện nay, các dịch bệnh truyền nhiễm trên cả nước nói chung và trên địa bàn tỉnh Hòa Bình nói riêng đang có xu hướng gia tăng số ca mắc và nhập viện điều trị. Để thực hiện tốt công tác phòng, chống các dịch bệnh truyền nhiễm trong các nhà trường, ngày 7/11/2022, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có Công văn 3256 về việc tăng cường thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm và đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19.
Giáo viên các trường học trên địa bàn tỉnh được hướng dẫn kỹ thuật pha chế dung dịch khử khuẩn trường, lớp học, tăng cường phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm

Theo đó, Sở Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các đơn vị, trường học triển khai, thực hiện các nội dung: Đối với công tác phòng, chống dịch COVID-19, tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là thời tiết đang trong giai đoạn chuyển mùa và thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho vi rút lây lan, phát triển; tiếp tục phối hợp với ngành y tế giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh để phát hiện sớm, xử lý kịp thời không để dịch bệnh bùng phát.

Đối với công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-1, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, các bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên tích cực, chủ động tham gia tiêm vắc xin phòng COVID-19 để phòng chống dịch bệnh. Trong đó tập trung thực hiện: Các đơn vị, trường học chủ động phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tiếp tục truyền truyền, vận động đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin mũi 3 cho người từ 12 tuổi trở lên; tiêm mũi 4 cho các đối tượng có nguy cơ cao; tiêm đủ 2 mũi cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi theo mục tiêu của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Tỉnh ủy và Ủy ban nhân dân tỉnh đã đề ra. Các nhà trường thường xuyên thông tin, phối hợp chặt chẽ với cơ sở y tế địa phương để giải quyết vấn đề liên quan đến các trường hợp phản ứng sau tiêm phòng COVID-19.

Đối với dịch bệnh sốt xuất huyết: Tăng cường giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh, phát hiện sớm các trường hợp mắc bệnh Sốt xuất huyết Dengue tại nhà trường (nếu có) để phối hợp với cơ sở y tế khoanh vùng, cách ly và xử trí kịp thời. Tăng cường tuyên truyền, vận động cán bộ, giáo viên, nhân viên, các bậc

phụ huynh và các em học sinh, sinh viên triển khai quyết liệt chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy) trên địa bàn.

Đối với dịch bệnh đậu mùa khỉ: Tăng cường thông tin, tuyên truyền về bệnh đậu mùa khỉ để phát hiện sớm, ngăn chặn dịch bệnh kịp thời. Các nhà trường giám sát, phát hiện, điều tra dịch tễ đối với ca mắc đậu mùa khỉ nếu xuất hiện trong nhà trường và kịp thời báo về cơ sở y tế theo quy định.

Đối với bệnh cúm lây truyền từ gia cầm sang người (cúm A/H5): Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, điều tra các trường hợp nghi nhiễm các chủng cúm gia cầm, phối hợp với cơ sở y tế địa phương xử lý sớm, triệt để ổ dịch (nếu có). Tăng cường tuyên truyền biện pháp phòng lây nhiễm cúm gia cầm lây sang người tại khu vực có gia cầm ốm, chết và những vùng có nguy cơ cao.

Đối với bệnh do vi rút Adeno và các bệnh dịch nguy hiểm khác: Các nhà trường cần tiếp tục chủ động, tăng cường phối hợp với cơ sở y tế địa phương để triển khai công tác phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Cùng với đó, đẩy mạnh công tác thông tin, truyền thông về phòng, chống dịch bệnh, nhất là các bệnh truyền nhiễm mới nổi. Tiếp tục đẩy mạnh thông tin về tiêm vắc xin phòng COVID-19 theo công thức “2K (khẩu trang, khử khuẩn) + vắc xin + thuốc + điều trị + công nghệ + ý thức người dân và các biện pháp khác”./.