Để chủ động ứng phó kịp thời với tình trạng hạn hán, thiếu nước và hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán gây ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung:
1. Chỉ đạo rà soát tình hình, đánh giá khả năng tác động của hạn hán tới các ngành sản xuất, đời sống của nhân dân, xây dựng các kế hoạch ứng phó cụ thể để triển khai thực hiện, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất, thu nhập và đời sống của nhân dân trên địa bàn;
2. Tổ chức kiểm tra, tổng hợp cụ thể nguồn nước, nhất là tại các hồ chứa thủy lợi để xây dựng kế hoạch sử dụng nước hợp lý, ưu tiên nước cho sinh hoạt, nước uống cho gia súc, nước tưới cho cây trồng lâu năm có giá trị kinh tế cao khi hạn hán xảy ra;
\3. Chỉ đạo thực hiện các biện pháp tăng cường tích trữ nước trong các ao, hồ, điều tiết nước hợp lý trên cơ sở theo dõi chặt diễn biến khí tượng thủy văn, ưu tiên đảm bảo an toàn công trình;
4. Trên cơ sở nguồn nước hiện có, xác định cụ thể vùng bảo đảm tưới vùng nguy cơ bị hạn, thiếu nước để bố trí cơ sấu cây trồng, mùa vụ hợp lý. Xem xét điều chỉnh theo hướng chuyển đổi diện tích trồng lúa thường xuyên bị hạn hán, thiếu nước sang cây trồng cạn có giá trị kinh tế cao;
5. Tăng cường thực hiện các giải pháp sử dụng nước tiết kiệm, tưới tiên tiến cho lúa và cây trồng cạn; có phương án ứng phó khi nguồn nước bị thiếu hụt, bảo đảm hiệu quả sản xuất;
6. Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, sửa chữa phục hồi các công trình cấp nước sạch, công trình thủy lợi bị hư hỏng trong đợt mưa lũ vừa qua, kịp thời phục vụ dân sinh và sản xuất nông nghiệp; Tích cực huy động nhân dân tham gia thực hiện Chiến dịch toàn dân làm thủy lợi tạo điều kiện thuận lợi nhất phục vụ sản xuất;
7. Sử dụng các giống ngắn ngày, bố trí nhóm giống cùng thời gian sinh trưởng để thuận tiện cho việc cung cấp nước tưới, đảm bảo sử dụng nước tiết kiệm và hiệu quả;
8. Rà soát ngay các khu vực rừng trọng điểm có nguy cơ cháy rừng cao, có phương án phòng, chữa cháy rừng cụ thể cho từng địa phương (huyện, xã và chủ rừng). Tăng cường thực hiện kiểm tra, giám sát và đôn đốc công tác chuẩn bị tại cơ sở;
9. Tăng cường kiểm tra, kịp thời phát hiện các điểm cháy rừng và triển khai các biện pháp chữa cháy rừng quyết liệt, có hiệu quả theo phương châm "4 tại chỗ", kiên quyết không để xảy ra cháy lớn; trường hợp cháy lớn vượt quá tầm kiểm soát và khả năng giải quyết của địa phương cần thông báo kịp thời về Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo kế hoạch và bảo vệ phát triển rừng tỉnh để có phương án hỗ trợ ứng cứu;
10. Rà soát kế hoạch chuẩn bị cây giống, xử thực bì và trồng rừng kịp thời vụ, phù hợp với diễn biến hạn hán, đảm bảo hoàn thành kế hoạch trồng rừng năm 2016, đồng thời không để cháy rừng do xử lý thực bì;
11. Trồng bổ sung cây thức ăn xanh, dữ trữ nguồn thức ăn thô, nước uống, bảo đảm cung cấp cho các đàn gia súc, gia cầm trong trường hợp xảy ra hạn hán dài ngày;
12. Chủ động sử dụng kinh phí từ ngân sách địa phương và huy động các nguồn hợp pháp khác để thực hiện các giải pháp phòng, chống hạn hán, báo cáo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét hỗ trợ kinh phí nếu vượt quá khả năng của địa phương;
13. Báo cáo kế hoạch phòng chống hạn hán năm 2016, đối phó với ảnh hưởng của hiện tượng El Nino trước ngày 15/11/2015; thường xuyên báo cáo tình hình, ảnh hưởng của hạn hán về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh;
14. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn phòng, chống hạn hán, khuyến khích sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả bằng mọi biện pháp tới mọi người dân./.