
Giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh ta đề ra mục tiêu “Thu ngân sách Nhà nước tăng 17%/năm”. Như vậy đến năm 2020 thu NSNN ước đạt khoảng 5.000 tỷ đồng, đáp ứng được khoảng 45% chi cân đối ngân sách địa phương. Để đạt được mục tiêu đó, Sở Tài chính đã phối hợp với các ngành, UBND các huyện, thành phố tham mưu giúp UBND tỉnh xây dựng Đề án “Tạo nguồn thu và tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2020”.
Về lâu dài, tỉnh ta cần xây dựng, rà soát sửa đổi các cơ chế chính sách đặc thù, nhằm phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng, tạo điều kiện phát triển các vùng động lực của tỉnh; xác định các chiến lược phát triển, tăng cường liên kết giữa các tỉnh trong vùng. Rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm, quy hoạch của địa phương để thực hiện các nội dung, định hướng tái cơ cấu kinh tế, nhất là tái cơ cấu ngành, lĩnh vực sản xuất, dịch vụ; rà soát lại các chính sách ưu đãi, hỗ trợ, thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh, nghiên cứu đánh giá những thuận lợi, khó khăn, vướng mắc của nhà đầu tư đối với các chính sách ưu đãi của tỉnh đã ban hành để kịp thời bổ sung, sửa đổi và hoàn thiện các chính sách ưu đãi, thu hút đầu tư của tỉnh.
Huy động, cân đối và bố trí kịp thời các nguồn vốn cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng, vốn giải phóng mặt bằng để triển khai kịp thời và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư bất động sản, đã được cấp phép và đang triển khai thực hiện để thu tiền sử dụng đất tạo vốn đầu tư phát triển; tập trung đôn đốc, thu hồi dứt điểm nợ đọng tiền sử dụng đất; kiên quyết áp dụng các biện pháp phạt chậm nộp, cưỡng chế thu, đề nghị tính lại tiền thu sử dụng đất, hủy kết quả đấu giá, thu hồi lại đất khi dự án không thực hiện đúng quy định.
Xây dựng các tiêu chí, điều kiện quy định các tổ chức cá nhân được tham gia đấu giá quyền khai thác khoáng sản, như: điều kiện về nguồn vốn, công nghệ, kinh nghiệm, sử dụng tài nguyên hợp lý, giảm thiểu việc ô nhiễm môi trường …. giúp loại trừ các doanh nghiệp yếu kém về năng lực tài chính, thiếu kinh nghiệm trong khai thác khoáng sản, giảm thiểu gây ô nhiễm môi trường.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành hạ tầng, phát huy hiệu quả sản xuất tại các khu công nghiệp, các cụm công nghiệp. Duy trì mối liên hệ thường xuyên với các nhà đầu tư để kịp thời nắm bắt các vướng mắc, khó khăn gặp phải trong quá trình đầu tư; tập trung tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các doanh nghiệp, tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư yên tâm đầu tư. Cải cách thủ tục, đơn giản thủ tục đầu tư, giải quyết nhanh, gọn các thủ tục hành chính; thủ tục thuê đất, cấp đất, quy hoạch,..Công tác bồi thường GPMB, tạo quỹ đất sạch cho nhà đầu tư...; đồng thời, kịp thời phát hiện các dự án đầu tư sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả các ưu đãi đầu tư, nhất là đất đai và cơ sở hạ tầng để kịp thời thu hồi và chuyển giao các nguồn lực cho những dự án hiệu quả hơn.
Tăng cường thu hút nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA), nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), dành một phần thỏa đáng vốn ngân sách nhà nước để tham gia các dự án hợp tác công - tư, vốn đối ứng ODA và kinh phí giải phóng mặt bằng. Đối với những dự án quan trọng của tỉnh, cần khuyến khích thực hiện theo các hình thức đầu tư kết hợp công - tư (PPP, BOT, BT, BO,...) hoặc phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, tăng cường huy động và bảo đảm cân đối đủ vốn để triển khai thực hiện.
Triển khai và thực hiện tốt chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2011 - 2015 và giai đoạn 2015 - 2020 nhằm mở rộng cơ sở thuế để phát triển nguồn thu, bao quát các nguồn thu mới phát sinh và cơ cấu lại theo hướng tăng nguồn thu nội địa. Xây dựng và áp dụng phương pháp quản lý rủi ro trong tất cả các khâu của công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý thu nợ và cưỡng chế nợ thuế, giám sát sự tuân thủ người nộp thuế. Nâng cao hoạt động tuyên truyền và hỗ trợ người nộp thuế; khuyến khích hỗ trợ phát triển các tổ chức kinh doanh dịch vụ làm thủ tục về thuế. Ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý thuế. Hoàn thiện ứng dụng cơ chế quản lý thuế theo phương thức tự khai tự nộp.
Phối hợp chặt chẽ giữa ngành thuế với các ngành, các cấp đẩy mạnh công tác quản lý thu, tăng cường kiểm tra chống thất thu ngân sách: Tập trung rà soát, xử lý và phân loại nợ đọng thuế theo quy định hiện hành, kiên quyết thu hồi đối với các khoản nợ có khả năng thu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra qua đó phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi trốn thuế, gian lận thuế; tập trung quản lý các lĩnh vực còn thất thu như kinh doanh nhà hàng, khách sạn, dịch vụ du lịch…Xây dựng quy chế phối hợp giữa cơ quan thuế với các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, trong công tác quản lý, xử lý đối tượng nộp thuế, nhất là lĩnh vực đất đai, nhằm nâng cao tính pháp chế trong thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất và chính sách thuế trên địa bàn. Khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt nghĩa vụ thuế.