Hiện nay, toàn tỉnh có 3.361 mô hình tự quản, trong đó: Lĩnh vực kinh tế: 729 mô hình; lĩnh vực an ninh trật tự: 1.457 mô hình; lĩnh vực văn hóa - xã hội: 835 mô hình; lĩnh vực bảo vệ môi trường: 163 mô hình; lĩnh vực thực hiện nhân đạo từ thiện 2 mô hình.
Thực hiện Quyết định số 890-QĐ/TU, ngày 10/7/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về ban hành Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc xây dựng và nhân rộng tổ tự quản trong cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 122 ngày 08/02/2017 của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Hòa Bình về việc xây dựng và nhân rộng các mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư giai đoạn 2017 - 2020. Nhằm tiếp tục phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tạo sự đồng bộ, thống nhất trong việc triển khai xây dựng, nhân rộng các mô hình tự quản tại cộng đồng dân cư trên phạm vi toàn tỉnh. Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hướng dẫn quy trình thành lập và duy trì hoạt động của Mô hình tự quản trong cộng đồng dân cư, chỉ đạo MTTQ Việt Nam các huyện, thành phố tổ chức triển khai tới xã phường, thị trấn.
Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tổ chức, hoạt động của tổ tự quản trong cộng đồng dân cư. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan bồi dưỡng, tập huấn chuyên môn, nghiệp vụ về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ tự quản cho đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp cơ sở và đội ngũ tổ trưởng các tổ tự quản. Trên 95% hộ dân ở các khu dân cư được tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước liên quan đến tổ chức, hoạt động của tổ tự quản trong cộng đồng dân cư. 90% các cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội khảo sát đánh giá đúng thực trạng các tổ tự quản do cấp mình, ngành mình chủ trì xây dựng và nhân rộng. 98% xã, phường, thị trấn, tổ dân phố có tổ tự quản thu hút các hộ dân tham gia. Tổ trưởng các tổ tự quản được tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng tuyên truyền, vận động Nhân dân, được cung cấp thông tin liên quan đến hoạt động tự quản. Quá trình thực hiện đã tạo sự chuyên biến tích cực về nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân đối với việc xây dựng và nhân rộng các tổ tự quản trong cộng đồng dân cư.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các tầng lớp Nhân dân chấp hành nghiêm các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; phát động và tổ chức thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước, chương trình hoạt động gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị. Công tác khảo sát, đánh giá các mô hình tự quản ở khu dân cư được MTTQ các cấp thực hiện thường xuyên, nghiêm túc; chủ động phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể thực hiện việc khảo sát, đánh giá các mô hình do tổ chức mình hướng dẫn, xây dựng; nắm tình hình các hộ gia đình, nhu cầu, đồng thời cùng trao đổi, định hướng về nội dung, phương thức hoạt động cũng như tên gọi của tổ tự quản,... đảm bảo mô hình hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc thù địa bàn khu dân cư, đơn vị, địa phương. Hiện nay, toàn tỉnh có 151 Ban Thanh tra nhân dân với 1.309 thành viên và 191 Ban giám sát đầu tư cộng đồng với 1.539 thành viên được hoạt động tại 151 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh. Hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân và Ban giám sát đầu tư của cộng đồng đã bám sát chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, chủ động xây dựng kế hoạch tập trung đẩy mạnh hoạt động giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng pháp luật của Nhà nước và các quy định của địa phương./.