DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh

Sau 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TU, ngày 09/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền nâng cao nhận thức về công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh được quan tâm đẩy mạnh; tạo sự đồng tình, ủng hộ và tích cực tham gia của các cấp, các ngành và các tầng lớp Nhân dân. Các cấp ủy, chính quyền đã đưa công tác dân số, trong đó có công tác giảm mất cân bằng giới tính khi sinh thành một nội dung trọng tâm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, đặc biệt là các nội dung về bình đẳng giới, giảm sinh con thứ ba,… Vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, tính tiên phong, gương mẫu và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc thực hiện các giải pháp giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh được nâng cao. Đã tổ chức thực hiện có hiệu quả chương trình Dân số và Phát triển, đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; tỷ số khi sinh đã giảm dần theo từng năm: 2018 là 113,9 nam trên 100 nữ; 2019 là 112,8 nam trên 100 nữ; 2022 là 111,2 nam trên 100 nữ. Các mô hình, hoạt động kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh đã được duy trì triển khai trên địa bàn toàn tỉnh, phát huy hiệu quả, góp phần tích cực vào nỗ lực nâng cao chất lượng dân số.

Tuy nhiên, tỉnh Hòa Bình vẫn thuộc nhóm các tỉnh có tỷ số giới tính khi sinh cao. Công tác phối hợp thực hiện giữa các sở, ban, ngành, đoàn thể với ngành y tế trong công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh chưa thường xuyên, liên tục. Tổ chức bộ máy của ngành dân số có nhiều biến động ở các cấp; công tác truyền thông, giáo dục về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao. Hình thức xử lý, kỷ luật đối với người vi phạm chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình chưa đủ sức răn đe; còn tình trạng một số cán bộ, đảng viên sẵn sàng nhận hình thức kỷ luật để sinh con thứ 3 trở lên.

Để tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TU,  ngày 09/8/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa ban hành Kết luận nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh trên địa bàn tỉnh; theo đó Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đó là:

Tiếp tục quán triệt sâu sắc các nội dung và triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 42-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy; Chương trình hành động số 21-CTr/TU, ngày 24/4/2018 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý, phối hợp thực hiện, theo dõi các hoạt động công tác kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh; kịp thời đề ra các giải pháp khắc phục hạn chế, yếu kém, thúc đẩy thực hiện hiệu quả kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và Nhân dân về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, bình đẳng giới. Tiếp tục phát huy vai trò của hệ thống cơ quan truyền thông, các ngành có liên quan, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể, cán bộ cơ sở, đội ngũ cộng tác viên cung cấp thông tin về thực trạng, nguyên nhân và hệ lụy của tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới, không lựa chọn giới tính thai nhi. Phát hiện và biểu dương kịp thời những đơn vị, cá nhân thực hiện tốt; đồng thời, phê phán, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật; chú trọng công tác tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng tuyên truyền cho cán bộ cơ sở, đáp ứng với yêu cầu hiện nay.

Nâng cao năng lực quản lý Nhà nước trong công tác dân số và phát triển. Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức, cán bộ làm công tác dân số các cấp. Phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo công tác dân số các cấp; vai trò thường trực của ngành Y tế. Tăng cường công tác giám sát, kiểm tra, nâng cao hiệu lực thực thi pháp luật về cấm các hình thức lựa chọn giới tính thai nhi. Định kỳ thanh tra, kiểm tra, giám sát đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ siêu âm, phá thai và các dịch vụ khác có liên quan đến lựa chọn giới tính thai nhi; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 12/CT-UBND, ngày 04/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh; đưa việc thực hiện chính sách dân số, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh vào quy ước, hương ước của các khu dân cư, tổ dân phố; quy chế, nội quy của các cơ quan, đơn vị; thể chế rõ các hình thức xử lý nếu vi phạm; có sự thống nhất cao trong tập thể và thực hiện nghiêm túc những quy định đã đề ra. Đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về bình đẳng giới, nhằm thay đổi hành vi, giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh. Thực hiện chính sách ưu tiên gia đình sinh con một bề là gái thực hiện tốt chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình. Tập trung tuyên truyền các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không lựa chọn giới tính khi mang thai, tác hại của việc lựa chọn giới tính.