
Trong giai đoạn 2014-2024, toàn tỉnh đã tập trung triển khai thực hiện công tác truyền thông về tín dụng chính sách xã hội một cách đồng bộ, hiệu quả với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Tổng số sản phẩm truyền thông về tín dụng chính sách xã hội là 2.215 sản phẩm, với 453 phóng sự truyền hình, 723 tin, bài trên báo Trung ương và địa phương, cổng Thông tin điện tử của tỉnh; 1.039 tin, bài trên Cổng thông tin điện tử cấp huyện, cấp xã, trang Chính quyền điện tử; trên trang web của các Hội đoàn thể và phát trên Đài Truyền thanh cấp huyện đặc biệt, tại UBND các xã, phường, thị trấn, NHCSXH đều niêm yết công khai, cập nhật kịp thời các nội dung về tín dụng chính sách để Nhân dân dễ dàng tiếp cận, tìm hiểu. Bên cạnh đó, mỗi cán bộ NHCSXH đều có trách nhiệm và luôn làm tốt vai trò là một tuyên truyền viên, giúp người dân và các tổ chức liên quan hiểu về hoạt động tín dụng chính sách cũng như cập nhật kịp thời các chủ trương, chính sách của Chính phủ về tín dụng chính sách xã hội.
Tỉnh cũng đã ban hành chính sách tín dụng đặc thù hỗ trợ người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương, ban hành Quyết định quy định về quản lý và sử dụng nguồn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH để thực hiện cho vay đối với hộ nghèo và đối tượng chính sách đảm bảo đúng quy định của Pháp luật. Cấp ủy, chính quyền các cấp thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo tập trung các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và trích ngân sách địa phương bổ sung nguồn vốn để thực hiện các chương trình tín dụng ưu đãi trên địa bàn và 10 năm qua nguồn vốn tín dụng chính sách có sự tăng trưởng vượt bậc, tốc độ tăng trưởng ổn định qua các năm, năm sau cao hơn năm trước.
Đến 30/4/2024, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách tại chi nhánh NHCSXH tỉnh đạt 5.060 tỷ đồng, tăng 3.192 tỷ đồng (170,8%) so với năm 2014; trong đó nguồn vốn huy động của tổ chức cá nhân đạt 414,7 tỷ đồng, tăng 373,8 tỷ đồng so với năm 2014 và nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua NHCSXH đạt 201,6 tỷ đồng, tăng 195,6 tỷ đồng, tăng gấp 32,2 lần so với trước khi có Chỉ thị số 40-CT/TW. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách đạt 5.050,3 tỷ đồng ; tăng 3.187,1 tỷ đồng (tăng 1,7 lần) so với từ khi có Chỉ thị số 40-CT/TW.
Mô hình quản trị của NHCSXH có sự tham gia của các cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương các cấp, các tổ chức CT-XH, đã gắn kết công tác chuyên môn của từng ngành, lĩnh vực, địa phương với hoạt động tín dụng chính sách xã hội. Cùng với phương thức quản lý tín dụng chính sách đặc thù thông qua hình thức: phân công, phân cấp trách nhiệm trong việc xác định đối tượng thụ hưởng đủ điều kiện vay vốn; thực hiện dân chủ, công khai trong cộng đồng dân cư; kết hợp sự tham gia của 04 tổ chức CT-XH nhận ủy thác với vai trò giám sát xã hội và làm uỷ thác một số nội dung công việc trong quy trình nghiệp vụ tín dụng chính sách là hướng đi đúng đắn, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng kịp thời, hiệu quả; đồng thời huy động được sức mạnh của cộng đồng, toàn xã hội cùng chung tay giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã góp phần nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động NHCSXH tại địa phương.
Trong 10 năm qua, vốn tín dụng chính sách đã giúp trên 125,4 ngàn hộ vượt qua ngưỡng nghèo, giải quyết việc làm cho trên 65,3 ngàn lao động, giúp 1,6 ngàn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, hỗ trợ trên 31,9 ngàn học sinh sinh viên được vay vốn chi phí học tập và mua hơn 01 ngàn máy tính, thiết bị học trực tuyến; đầu tư xây dựng trên 223,7 ngàn công trình nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn và trên 21,4 ngàn căn nhà cho người nghèo; hỗ trợ vốn mua/thuê mua 572 căn nhà ở xã hội, 26 doanh nghiệp, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do dịch Covid 19 vay vốn để trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất cho hơn 1.500 lượt người lao động, .. góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh: Giai đoạn 2011-2015 từ 31,51% xuống 12,26%; giai đoạn 2016 - đến nay từ 24,38% xuống còn 9,2%.
Kết quả đạt được qua 10 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW về Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội đã khẳng định sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá để tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng các cấp, tín dụng chính sách đã phát huy vai trò, hiệu quả, trở thành một trong những chính sách quan trọng để thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030, Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, bảo đảm an sinh xã hội, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội với chủ trương “không để ai bị bỏ lại phía sau”./.