Đến nay 100% các cơ quan hành chính ở cả ba cấp (19/19 sở, ban, ngành; 10/10 UBND cấp huyện và 151/151 UBND cấp xã) đã hoàn thành việc xây dựng, chuyển đổi áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001:2015, về đích trước hơn 1 năm so với lộ trình chung của toàn quốc. Hàng năm, việc duy trì, cải tiến hệ thống quản lý chất lượng theo quy định có xét tới điều kiện, tình hình thực tiễn tiếp tục được chú trọng hướng dẫn, đôn đốc thực hiện thông qua việc ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, điều hành nhằm đảm bảo công tác duy trì, đánh giá nội bộ hệ thống quản lý chất lượng được diễn ra tại 100% các cơ quan, đơn vị từ tỉnh đến huyện, xã theo kế hoạch. Các văn bản hướng dẫn, đôn đốc do Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh và các cơ quan chuyên môn trực thuộc được ban hành đã đáp ứng được yêu cầu về quản lý nhà nước đối với lĩnh vực cải cách hành chính nói chung và hoạt động áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO 9001 nói riêng theo hướng cụ thể hóa các nội dung quy định nhằm góp phần hỗ trợ, hướng dẫn, đôn đốc các cơ quan, tổ chức thuộc hệ thống hành chính nhà nước từ tỉnh đến huyện, xã có thể tổ chức thực hiện việc duy trì t hệ thống quản lý chất lượng theo TCVN ISO một cách thông suốt, hỗ trợ tích cực cho công tác cải cách hành chính ở địa phương. Có thể khẳng định, việc đẩy mạnh xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001 vào hoạt động của các cơ quan hành chính Nhà nước ở 3 cấp (tỉnh, huyện, xã) trên toàn tỉnh đã góp phần cải tiến rõ rệt phương pháp làm việc, quy trình hóa các thủ tục hành chính một cách khoa học, từ đó rút ngắn thời gian giải quyết công việc; giảm các tác động tiêu cực trong thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức; hướng tới sự hài lòng của người dân và các tổ chức; cải thiện đáng kể chất lượng dịch vụ công trên địa bàn; góp phần cải thiện chỉ số cải cách hành chính đối với tiêu chí hiện đại hóa hành chính của tỉnh Hòa Bình trong những năm vừa qua.
Tỉnh hỗ trợ xây dựng và cấp mã số vùng trồng cho sản phẩm nông sản đạt 21 mã số vùng trồng. Hỗ trợ chứng nhận theo tiêu chuẩn GlobalGAP, VietGAP và hữu cơ cho 163 doanh nghiệp, Hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm, hộ sản xuất với gần 2,5 ngàn ha diện tích vùng trồng sản phẩm nông sản thực phẩm của địa phương. Qua đó đã hướng dẫn, hỗ trợ xuất khẩu 1.017 tấn sản phẩm trồng trọt và 975 tấn sản phẩm đã qua chế biến với giá trị tăng lên hàng chục ngàn tấn với giá trị hơn 1000 tỷ đồng mỗi năm sang các thị trường cao cấp như Mỹ, EU, Hàn Quốc, Anh (chuối, mía, nhãn, bưởi…), 35 triệu lon sản phẩm chế biến từ các loại hạt sang thị trường các nước Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Hàn Quốc và EU xuất khẩu lâm sản với giá trị 790 tỷ đồng sang thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc, Mỹ và Canada, bước đầu tạo nền tảng cho doanh nghiệp trong quá trình phát triển sản phẩm, hàng hoá về năng suất, chất lượng… để hội nhập sâu hơn nữa vào thị trường quốc tế. Hỗ trợ thành lập 25 tổ chức khoa học công nghệ, gồm 08 tổ chức khoa học công nghệ công lập và 17 tổ chức khoa học công nghệ ngoài công lập; 11 doanh nghiệp khoa học công nghệ; trong đó có 08 doanh nghiệp nhận chuyển giao công nghệ thông qua các hợp đồng chuyển giao công nghệ, 03 doanh nghiệp tự nghiên cứu và làm chủ công nghệ. Giúp doanh nghiệp được hưởng các chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp khoa học công nghệ (như ưu đãi về thuế, quỹ đất, vay vốn…); doanh nghiệp có điều kiện quan tâm, đầu tư hơn nữa cho hoạt động nâng cao năng suất, đảm bảo đo luồng và chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ. Tổ chức thẩm định, cho ý kiến về công nghệ đối với trên 100 dự án đầu tư vào tỉnh, nhằm loại bỏ những công nghệ lạc hậu và triển khai thực hiện có hiệu quả một số đề tài hỗ trợ doanh nghiệp đánh giá, đổi mới công nghệ nhằm cải tiến quy trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hoá của địa phương.
Cập nhật và dịch thuật để phổ biến hàng trăm tin cảnh báo từ các quốc gia thành viên WTO và các tin bài về các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến Hàng rào kỹ thuật trong thương mại của các Bộ, ngành ban hành để đăng tải lên trang thông tin, tập san, bản tin nhanh của ngành Khoa học và Công nghệ, cung cấp hoàn toàn miễn phí những thông tin hữu ích cho doanh nghiệp về quy định của các nước thành viên WTO đối với các sản phẩm nông sản, thực phẩm, may mặc, xây dựng, về ghi nhãn…, thông tin về thị trường các nước, các quy chuẩn kỹ thuật của Việt Nam, và các văn bản pháp luật của Việt Nam về xuất nhập khẩu, thuế, môi trường, tiêu chuẩn, chất lượng, đo lường. Hàng năm, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn trực thuộc hướng dẫn, tư vấn đào tạo và hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ tài chính, quy trình, tư vấn… theo quy định cho hàng chục lượt tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện các hoạt động khoa học công nghệ, tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng như thực hiện VietGAP, GlobalGAP; xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO, HACCP. Kết quả, trong giai đoạn từ 2019 đến nay đã hỗ trợ với tổng số kinh phí là 17.763.628 triệu đồng. Hoạt động này đã tạo động lực khuyến khích ngày càng nhiều doanh nghiệp trên địa bàn toàn tỉnh quan tâm, đầu tư hơn nữa vào các hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật vào sản xuất, kinh doanh; tham gia các hoạt động xây dựng, quảng bá thương hiệu ngành hàng của địa phương, đảm bảo đo lường và nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của thị trường và người tiêu dùng, hướng tới mở rộng thị trường ra ngoài tỉnh và xuất khẩu ngày càng nhiều sản phẩm, hàng hóa có chất lượng, thương hiệu.
Công tác thanh, kiểm tra được quan tâm, bố trí nguồn lực để thực hiện. Lực lượng làm công tác thanh tra, kiểm tra đã được bổ sung, kiện toàn về số lượng, đào tạo thêm về chuyên môn, nghiệp vụ để nâng cao chất lượng. Trang thiết bị chuyên dùng cho hoạt động thanh tra, kiểm tra về tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã được đầu tư bổ sung, về cơ bản đáp ứng nhu cầu hiện tại, đảm bảo cơ bản các điều kiện thực thi công vụ, nhiệm vụ về đo lường. Góp phần tác động đến trách nhiệm và ý thức tuân thủ pháp luật về tiêu chuẩn, đo lường, chất lượng trong sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người sản xuất. Các trường hơp vi phạm pháp luật về tiêu chuẩn đo lường chất lượng giảm đáng kể, góp phần ổn định thị trường, đảm bảo công bằng xã hội, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và chính đáng của người tiêu dùng; giúp đảm bảo công bằng trong các giao dịch thương mại./.