DetailController

Khoa học - Môi trường

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

26/07/2023 16:53
Trong thời gian qua, nhận thức của các cấp Ủy đảng, chính quyền cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người lao động về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai đã có chuyển biến tích cực, các kế hoạch, phương án về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai gây ra được thực hiện nghiêm túc, góp phần làm giảm thiệt hại đáng kể về tính mạng con người, cơ sở vật chất, tài sản của người dân...qua đó góp phần ổn định kinh tế cũng như đời sống nhân dân địa phương.
Công tác đảm bảo vật tư, phương tiện, và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được các cấp triển khai một cách nghiêm túc

Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và Quyết định số 987/QĐ-TTg ngày 09/7/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai Chỉ thị số 42-CT/TW đã được tổ chức một cách nghiêm túc và toàn diện bởi Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, chính quyền địa phương, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức khác. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan từ cấp tỉnh đến cơ sở đã được chỉ đạo triển khai nhiệm vụ cụ thể dựa trên kế hoạch của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ban Cán sự đảng Ủy ban nhân dân tỉnh, các cấp ủy Đảng, chính quyền và các đoàn thể địa phương. Các nhiệm vụ chính đã triển khai thực hiện bao gồm: Triển khai toàn diện Chỉ thị số 42-CT/TW, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, hoàn thiện cơ chế và chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, cải thiện khả năng dự báo và giám sát, tận dụng nguồn lực một cách hiệu quả, nâng cao năng lực quản lý nhà nước, thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, và tăng cường vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức khác trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Trong công tác tuyên truyền, các cấp ủy, chính quyền, đơn vị và địa phương trong tỉnh thực hiện một cách nghiêm túc các kế hoạch và phương án liên quan được thực hiện đúng theo hướng dẫn của các văn bản chỉ đạo. Hằng năm, tổ chức các hoạt động tuyên truyền và kỷ niệm quan trọng về phòng chống thiên tai như: Treo băng rôn, khẩu hiệu, áp phích, panno, lễ mít tinh kỷ niệm…Các cơ quan thông tấn, báo chí đã đăng tải trên 400 tin, bài về phòng chống thiên tai, cảnh báo thiên tai cho người dân…

Bên cạnh đó, các cấp ủy, chính quyền còn tiếp tục đóng góp ý kiến hoàn thiện các Nghị định của Chính phủ, Thông của bộ, ngành Trung ương về công tác Phòng chống thiên taiTìm kiếm cứu nạn. Hằng năm, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân tỉnh kiện toàn, phân công trách nhiệm xây dựng kế hoạch công tác cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh. Ủy ban nhân dân tỉnh kịp thời ban hành các Chỉ thị, Quyết định, kế hoạch liên quan đến công tác phòng chống thiên tai, đảm bảo hiệu quả và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra. Các phương án bảo vệ trọng điểm, ứng phó thiên tai, và đảm bảo an toàn công trình đã được ban hành; thực hiện công tác kiểm tra và đảm bảo an toàn công trình đê điều, hồ đập, và khu dân cư trên địa bàn tỉnh. Đảm bảo vật tư, phương tiện, và trang thiết bị phục vụ công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn được triển khai một cách nghiêm túc và hiệu quả. Công tác khắc phục hậu quả thiên tai được thực hiện theo phương châm "4 tại chỗ". Kết quả kiểm tra trước mùa mưa lũ năm 2023 có 134/544 hồ bị hư hỏng xuống cấp; 160 đập, bai và công trình thủy lợi hư hỏng; 201 điểm dân cư có nguy cơ thiên tai cao ....

Nhằm nâng cao năng lực cảnh báo, dự báo, theo dõi, giám sát thiên tai, tỉnh tiếp tục vận hành, khai thác 31 trạm đo mưa tự động, cung cấp dữ liệu lượng mưa để phục vụ công tác cảnh báo, dự báo và chỉ đạo điều hành khi có mưa xảy ra. Đài Khí tượng thuỷ văn Hoà Bình đã bổ sung hơn 90 trạm đo mưa tự động trên địa bàn 10 huyện, thành phố để nâng cao khả năng cảnh báo và phòng chống thiên tai trên tỉnh. Hoàn thiện lắp đặt hệ thống cảnh báo sạt lở tại khu vực đồi Ông Tượng, thành phố Hoà Bình để đảm bảo an toàn phòng chống thiên tai; đang thực hiện Dự án “Ứng dụng công nghệ đầu tư xây dựng hệ thống quản lý thông tin cảnh báo sớm trượt lở, sạt lở đất đá, lũ bùn đá, lũ ống, lũ quét theo thời gian thực tại tỉnh Hòa Bình”. Đề xuất áp dụng các công nghệ khoa học kỹ thuật trong công tác cảnh báo, dự báo về thiên tai như: Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống các điểm kè sạt lở, khu vực sạt lở, lũ ống, lũ quét trên địa bàn tỉnh; các đề tài nghiên cứu khoa học về ứng phó thiên tai trên địa bàn tỉnh.

Hiện nay toàn tỉnh tiếp tục duy trì 151/151 đội xung kích phòng chống thiên tai cấp xã (8.899 người) và tập huấn nâng cao chất lượng cho các đội xung kích. Thực hiện phối hợp nhịp nhàng giữa các Sở, ngành, cơ quan lực lượng vũ trang tại địa phương khi có thiên tai xảy ra. Thực hiện hiệu quả công tác huy động nguồn lực (dự trữ nhu yếu phẩm), sử dụng hợp lý nguồn kinh phí của tỉnh trong công tác khắc phục hậu quả thiệt hại do thiên tai gây ra trong thời gian qua.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc áp dụng khoa học công nghệ trong công tác phòng chống thiên tai như: Lắp đặt trạm đo mưa tự động, hệ thống cảnh báo sạt lở, thiết lập cơ sở dữ liệu về sạt lở, hồ đập trên nền tảng số, triển khai dự án ứng dụng công nghệ quản lý thông tin cảnh báo sớm các hiện tượng thiên tai. Sử dụng các ứng dụng Facebook, Zalo trong công tác thông tin, truyền thông phòng chống thiên tai.

Các tổ chức như Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hoà Bình, Ủy ban Mặt trân Tổ quốc Việt Nam các huyện, thành phố, Hội Chữ thập đỏ, các đoàn thể đã phối hợp với chính quyền địa phương nơi có thiên tai xảy ra tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; huy động kinh phí hỗ trợ khắc phục thiệt hại do thiên tai từ các tổ chức, cá nhân để hỗ trợ cho người dân.

Tuy nhiên hiện nay lực lượng phòng chống thiên tai còn mỏng và yếu đặc biệt ở cấp huyện và cấp xã; cán bộ tham gia công tác phòng chống thiên tai tại cơ sở hầu như chưa phù hợp chuyên môn; xây dựng, triển khai kế hoạch phòng chống thiên tai tại một số địa phương còn chưa quyết liệt. Nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, giám sát thiên tai đã được quan tâm, nhưng nguồn lực hạn chế, địa hình phức tạp, do đó hệ thống cảnh báo, giám sát vẫn còn hạn chế, cần sự hỗ trợ từ các cơ quan chuyên môn. Kinh phí phòng chống thiên tai hạn hẹp, nguồn vốn xã hội hóa gặp vướng mắc do chưa có cơ chế thực hiện. Đội xung kích và đội dân quân tự vệ còn khó khăn về nguồn lực và hoạt động do ngân sách địa phương hạn chế.../.