Sau 03 năm triển khai thực hiện Kết luận số 24-KL/TU, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể trên địa bàn tỉnh đã quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân trong đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác thi hành án; tình hình an ninh chính tri, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh tiếp tục ổn định, không có tình huống đột xuất, bất ngờ, không có “điểm nóng” về an ninh trật tự; tình hình tội phạm được kiềm chế. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật được thực hiện thường xuyên với nhiều hình thức đa dạng, phong phú và phù hợp với từng đối tượng, địa bàn. Lực lượng công an đã phát huy vai trò nòng cốt, chủ động tham mưu giúp cấp ủy đảng, chính quyền các cấp nhiều giải pháp phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; chủ động phối hợp giữa các ngành, đoàn thể trong thực hiện các nghị quyết, chương trình hành động về phòng, chống tội phạm. Công tác điều tra, truy tố, xét xử tội phạm và thi hành án được thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm. Công tác thi hành án được chỉ đạo thực hiện quyết liệt, giảm nhiều các vụ việc, vụ án phức tạp, phải kéo dài.
Các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về hình sự, dân sự, phòng, chống tội phạm và tệ nạn xã hội, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn và các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm, các hành vi vi phạm pháp luật và công tác thi hành án, các ngành đã tổ chức trên 7.000 buổi tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, phát động các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, thi báo cáo viên, tuyên truyền viên giỏi, tổ chức các hội nghị tập huấn, phát tờ rơi về công tác phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội với trên 1,5 triệu lượt người tham gia. Xây dựng, đăng tải trên 11.000 tin, bài, ảnh, phóng sự, các chuyên mục pháp luật và đời sống trên các phương tiện thông tin đại chúng, bản tin tư pháp, các website và các trang fanpage,...; tiếp nhận, trợ giúp pháp lý 1.927 vụ, tổ chức 208 đợt/245 điểm truyền thông trợ giúp pháp lý với trên 8.700 lượt người tham gia. Toàn tỉnh có 1.483 tổ hòa giải với 10.011 hòa giải viên; tại các thôn, xóm, bản, làng, tổ dân phố có từ 01 đến 02 tổ hòa giải với 03 đến 05 hòa giải viên tham gia hòa giải 100% vụ việc phát sinh trong cộng đồng dân cư, số vụ việc hòa giải thành đạt trên 85% đã làm tốt vai trò hòa giải, ngăn chặn phát sinh mâu thuẫn trong gia đình, xã hội từ cơ sở. Phong trào “toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc” được đẩy mạnh, huy động sự tham gia của quần chúng Nhân dân trong phát hiện, tố giác, đấu tranh phòng, chống tội phạm; toàn tỉnh có 50 mô hình với 1.848 điểm mô hình hoạt động tự phòng, tự quản, tự bảo vệ, tự hòa giải ở cơ sở.
Thời gian tới, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật tiếp tục diễn biến phức tạp, một số tội phạm nghiêm trọng vẫn còn xảy ra với tính chất ngày càng nguy hiểm, manh động; tội phạm có yếu tố quốc tế, xuyên quốc gia, sử dụng công nghệ cao và trên không gian mạng có xu hướng gia tăng; tội phạm hình sự có tổ chức, tội phạm về tham nhũng, kinh tế, thương mại ngày càng tinh vi, phức tạp; vi phạm pháp luật về sử dụng đất đai, bảo vệ tài nguyên môi trường diễn ra khó lường,... Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 02-CT/TU, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả một số nhiệm vụ trọng tâm sau: Tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền, phổ biến giáo, dục pháp luật đến các tầng lớp Nhân dân, nhất là các bộ luật, nghị định và văn bản hướng dẫn về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật và thi hành án; cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tăng cường chỉ đạo và thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra nội bộ để phòng ngừa vi phạm pháp luật. Ngành thanh tra tăng cường thanh tra đối với những lĩnh vực nhạy cảm, có nguy cơ xảy ra tham nhũng, tiêu cực, những vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội; chủ động phát hiện các hành vi vi phạm pháp luật và tội phạm để kiến nghị khởi tố và chuyển hồ sơ vụ việc đến cơ quan điều tra, viện kiểm sát nhân dân theo quy định của pháp luật.
Các cơ quan thanh tra, công an, viện kiểm sát, toà án, thi hành án và các cơ quan chức năng tăng cường phối hợp trong phát hiện, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật và phạm tội, nhất là đối với các hành vi tham nhũng, tiêu cực để cảnh tỉnh, răn đe với phương châm “xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực”. Các cơ quan tiến hành tố tụng hai cấp của tỉnh thực hiện tốt công tác tiếp nhận, quản lý và giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo đúng quy định của pháp luật; thực hiện điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đảm bảo đúng thời gian quy định, có giải pháp để khắc phục một số tồn tại hạn chế, không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm và hạn chế đến mức thấp nhất việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung và sửa, hủy án; tăng cường tổ chức các phiên toà xét xử lưu động tại địa bàn hay xảy ra tội phạm để tuyên truyền giáo dục ý thức chấp hành pháp luật trong quần chúng Nhân dân. Chấp hành nghiêm việc giao ban khối nội chính định kỳ và khi cần thiết để kịp thời xin ý kiến chỉ đạo của thường trực cấp ủy cùng cấp đối với những vụ việc, vụ án cần có sự lãnh đạo của cấp ủy./.