DetailController

Tin từ các đơn vị

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao

12/07/2024 16:02
Thời gian qua, thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 06/6/2014 của Ban Bí thư khóa XI về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nhân lực có tay nghề cao”, công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao tỉnh tỉnh Hòa Bình đã đạt được những kết quả nhất định, góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội bền vững của địa phương.

Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo và triển khai tuyên truyền Chỉ thị số 37-CT/TW, các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác giáo dục nghề nghiệp; ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đào tạo nghề đối với sự phát triển kinh tế - xã hội; Quyết định số 1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009 của Thủ tướng Chính phủ về đào tạo nghề cho lao động nông thôn, những mô hình dạy nghề hiệu quả; các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp. Ngành Lao động - Thương binh và Xã hội tổ chức tuyên truyền, tập huấn cho cán bộ quản lý, giáo viên của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cán bộ làm công tác lao động thương binh và xã hội, cán bộ là trưởng thôn, bản, bí thư chi bộ... về kỹ năng quản lý triển khai thực hiện đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn; đào tạo nghề cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025; kỹ năng tuyên truyền, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước về hỗ trợ đào tạo nghề. Đồng thời, xây dựng chuyên mục tuyên truyền, tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm trên cổng thông tin điện tử của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các sàn giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tổ chức.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội Nông dân, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên các cấp đã tích cực lồng ghép tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách về đào tạo nghề vào các hoạt động của Đoàn, Hội. Trang Website Tỉnh ủy, Cổng thông tin điện tử tỉnh đã đăng tải các văn bản của Trung ương, của tỉnh lãnh đạo công tác giáo dục nghề nghiệp; đăng nhiều tin, bài về công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh; các cơ quan thông tin đại chúng đã xây dựng được các chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, chương trình đào tạo nghề, chương trình phát triển nguồn nhân lực.

Tính đến tháng 6 năm 2024, toàn tỉnh có 25 cơ sở đã được kiểm tra, cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp gồm: 06 trường cao đẳng, 04 trường trung cấp, 10 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện, 02 trung tâm giáo dục nghề nghiệp và 03 cơ sở khác có tham gia đào tạo nghề nghiệp; phân theo loại hình sở hữu có 16 cơ sở công lập, 09 cơ sở tư thục; phân theo cơ quan quản lý có 04 cơ sở do Trung ương quản lý, 21 cơ sở do tỉnh quản lý.

Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TW, đội ngũ nhà giáo (bao gồm cả các trường Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh) hiện có 753 người, trong đó: Giáo viên làm việc tại các cơ sở công lập: 301 người, chiếm 40%; giáo viên làm việc tại các cơ sở tư thục là 452 người, chiếm 60%. Về trình độ đào tạo: Trên đại học 155 người, chiếm 21%; đại học 342 người, chiếm 45%; cao đẳng/cao đẳng nghề 86 người, chiếm 11%; trung cấp/trung cấp nghề 163 người, chiếm 22%; trình độ khác 7 người, chiếm 1%. Đội ngũ cán bộ quản lý là 204 người, trong đó: Trên đại học: 103 người, chiếm 50%; đại học 95 người 47%; cao đẳng, trung cấp và trình độ khác: 6 người, chiếm 3%; trong đó: Số cán bộ quản lý tại các trường/trung tâm là 158 người; cán bộ quản lý cấp tỉnh, cấp huyện là 5 người.

Để nâng cao chất lượng đội ngũ, công tác đào tạo, bồi dưỡng cho nhà giáo nói chung và cán bộ quản lý nói riêng được các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đặc biệt quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ, lý luận chính trị, kỹ năng nghề, trình độ tin học, ngoại ngữ…có cơ chế hỗ trợ học phí đối với cán bộ quản lý tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng.

Giai đoạn 2018-2020, tỉnh Hòa Bình được hỗ trợ kinh phí từ Dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp9.000 triệu đồng, Ủy ban nhân dân tỉnh Quyết định phân bổ và giao kinh phí cho Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hòa Bình 7.000 triệu đồng; Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình 2.000 triệu đồng để đầu tư mua sắm trang thiết bị các nghề trọng điểm. Mặt khác để đối ứng với kinh phí Trung ương, đã bố trí thêm nguồn ngân sách địa phương để hỗ trợ Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Hòa Bình: 9.350 triệu đồng; Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Hòa Bình: 4.859 triệu đồng.

Giai đoạn 2021-2024, các cơ sở đào tạo công lập được hỗ trợ đầu tư thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để đầu tư xây dựng, cải tạo sửa chữa, bảo dưỡng một số hạng mục công trình nhà xưởng, phòng học, ký túc xá; kinh phí đầu tư mua sắm trang thiết bị các nghề trọng điểm, các nghề đáp ứng yêu cầu nhân lực của doanh nghiệp và chuyển dịch cơ cấu lao động; kinh phí để xây dựng chương trình, giáo trình; kinh phí để hỗ trợ đào tạo và các hoạt động liên quan đến đào tạo cho các trường cao đẳng, trung cấp và Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên các huyện, thành phố.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, trong thời gian tới, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như:

Tổ chức thực hiện tốt Kế hoạch số 248-KH/TU, ngày 26/4/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 21-CT/TW, ngày 04/5/2023 của Ban Bí thư về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045. Đẩy mạnh hoạt động truyền thông về giáo dục nghề nghiệp, nhân rộng các mô hình đào tạo nghề có hiệu quả, kịp thời biểu dương khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục nghề nghiệp. Tiếp tục rà soát điều chỉnh, bổ sung kịp thời các ngành nghề nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, của doanh nghiệp được cụ thể hóa tại các Đề án của tỉnh. Đầu tư cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị đào tạo có chiều sâu, tập trung chuyên sâu cho các mô đun chuyên ngành, không dàn trải có tính chất kế thừa, phát triển, đặc biệt những nghề trọng điểm quốc gia đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt. Triển khai rà soát, sắp xếp mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tỉnh Hòa Bình theo nội dung Quyết định số 73/QĐ-TTg, ngày 10/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2045. Có chính sách thu hút giáo viên có kỹ năng nghề cao, có hướng mở  trong công tác tuyển dụng các nhà giáo đối với một số ngành khó tuyển dụng giáo viên, giảng viên giảng dạy một số nghề như: Nghề hàn bậc cao, nghề vận hành các loại máy thi công,...; hỗ trợ kinh phí thực hiện các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ nhà giáo. Thực hiện có hiệu quả các dự án, tiểu dự án thuộc 03 Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025 về lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, đánh giá về công tác giáo dục nghề nghiệp./.