DetailController

Khoa học - Môi trường

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình

02/07/2024 15:32
Tỉnh Hòa Bình có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng và phong phú, các mỏ khoáng sản, điểm khoáng sản thuộc các nhóm khoáng sản làm nguyên liệu cho các nhà máy chế biến sâu (nhà máy xi măng, nhà máy vôi…), khoáng sản kim loại, khoáng chất công nghiệp, vật liệu xây dựng thông thường (đá, cát sỏi) và nước khoáng - nóng. Thời gian qua, công tác cấp phép hoạt động khoáng sản ngày càng chặt chẽ theo đúng quy định của pháp luật, cơ bản đã quản lý được khối lượng khoáng sản khai thác, đặc biệt là khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường, đá vôi, sét xi măng.

Thực hiện Chỉ thị số 52-CT/TU, ngày 12/4/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong quản lý hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, qua đó tạo được sự chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong công tác quản lý tài nguyên về khoáng sản. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản ngày càng hoàn thiện chặt chẽ; công tác đối thoại giữa chính quyền, người dân và doanh nghiệp được quan tâm; công tác ban hành các văn bản hướng dẫn theo thẩm quyền được thực hiện kịp thời; công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về khoáng sản được tăng cường. Các ngành, các cấp, các lực lượng đã tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp, phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị - xã hội, Nhân dân địa phương cùng tham gia tích cực vào quản lý hoạt động khai thác, vận chuyển khoáng sản.

Hoạt động khai thác trái phép, cát sỏi lòng sông được kiểm soát; các đơn vị chấp hành đúng quy định của Nhà nước, thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định. Hoạt động khai thác vàng đã được các sở, ngành, địa phương quan tâm kiểm tra, giám sát và bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; xử lý hành chính, hình sự đối với các đối tượng vi phạm, đến nay không còn hiện tượng khai thác vàng trái phép xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Các dự án khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trên địa bàn tỉnh trong những năm qua đã mang lại những hiệu quả nhất định về phát triển kinh tế - xã hội; sử dụng tối đa nguồn nhân lực tại chỗ, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương, đồng thời tạo cơ hội cho doanh nghiệp thực hiện phát triển sản xuất trên địa bàn tỉnh. Các đơn vị đã tích cực ủng hộ cho việc xây dựng nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các công trình phúc lợi cho người dân địa phương nơi có hoạt động khoáng sản.Vấn đề tạo công ăn việc làm cho người dân được giải quyết, với tổng số lao động khoảng hơn 2.000 lao động chủ yếu là người địa phương, thu nhập bình quân khoảng 10 triệu đồng/người/tháng.

Hoạt động khai thác khoáng sản thường xuyên đảm bảo đáp ứng nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh và khu vực lân cận, tăng thu ngân sách cho địa phương đạt trên 150 tỷ đồng/năm.

Hoạt động khai thác khoáng sản sau khi khai thác xong thực hiện đóng cửa mỏ, cải tạo phục hồi môi trường bàn giao lại đất cho địa phương quản lý, sử dụng theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương.

Thực hiện Luật Bảo vệ môi trường, 100% các dự án đầu tư mới về khai thác khoáng sản đều được xem xét, hướng dẫn lập hồ sơ báo cáo đánh giá tác động môi trường và phương án cải tạo, phục hồi môi trường, cấp giấy phép môi trường theo đúng quy định trước khi lập hồ sơ cấp giấy phép khai thác. Công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác được các sở, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố quan tâm chỉ đạo thực hiện, trong 5 năm, đã phát hiện và xử lý các tổ chức, hộ gia đình cá nhân khai thác khoáng sản đất làm vật liệu san lấp, khai thác vàng trái phép, xử phạt vi phạm hành chính 5.271.550.000 đồng, tịch thu 01 xà lan hút cát, 03 máy xúc sử dụng để khai thác khoáng sản vàng, đất trái phép có giá trị tương đương 1.325.000.000 đồng; xử lý hình sự 01 bị can về hành vi nghiên cứu, thăm dò, khai thác tài nguyên (khoáng sản vàng); 01 vụ việc khai thác vàng sa khoáng trái phép, xử phạt vi phạm hành chính 25.500.000 đồng; 01 vụ việc hình sự do khai thác đất làm gạch ngói.

Nhằm tăng cường công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực và thực hiện đúng các quy định pháp luật về quản lý tài nguyên khoáng sản cần tiếp tục thực hiện một số giải pháp trong thời gian tới như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác quán triệt, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong công tác quản lý và bảo vệ tài nguyên khoáng sản; chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn quản lý; ngăn chặn và xử lý theo thẩm quyền các hành vi khai thác khoáng sản trái phép; nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến và thực hiện nghiêm túc Kế hoạch số 119-KH/TU, ngày 27/7/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Nghị quyết số 10-NQ/TW, ngày 10/02/2022 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược địa chất, khoáng sản và công nghiệp khoáng sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản nhất là đối với công tác thống kê, kiểm kê trữ lượng khoáng sản, xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế; thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường; trách nhiệm của cá nhân người đứng đầu chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị để xảy ra vi phạm thuộc địa bàn, địa phương, lĩnh vực quản lý,... kiên quyết xử lý nghiêm đối với hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản và môi trường.

Tăng cường công tác thẩm định, rà soát các dự án, đề án khai thác, chế biến khoáng sản đảm bảo theo đúng quy hoạch, đúng quy định pháp luật về hoạt động khoáng sản đã được phê duyệt. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong thực hiện công tác quản lý hoạt động khoáng sản. Triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, biện pháp thu thuế và chống thất thu thuế. Chỉ đạo các sở, ngành địa phương tăng cường tuần tra, kiểm soát; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm theo thẩm quyền đối với hoạt động khai thác cát sỏi trái phép; vận chuyển và kinh doanh cát, sỏi không có nguồn gốc hợp pháp trên địa bàn. Tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng công tác quản lý cán bộ, công chức, chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức đủ số lượng, đảm bảo về chất lượng, đáp ứng ngang tầm nhiệm vụ.

Chú trọng công tác theo dõi, đôn đốc, xử lý các kết luận sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; chỉ đạo kịp thời giải quyết các đơn thư tố cáo, khiếu nại, phản ánh, kiến nghị,... của các tổ chức, cá nhân liên quan đến các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh. Đối với định hướng cấp mỏ khai thác đá trong thời gian tới sẽ dừng cấp phép mới các mỏ khoáng sản khai thác đá theo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Hội nghị ngày 20/5/2022; xem xét đưa ra lộ trình đến năm 2030 sẽ dừng hoạt động khai thác đối với các khu vực khoáng sản đá làm vật liệu xây dựng thông thường nằm trong khu vực phát triển đô thị.

Đối với cát sỏi lòng sông, tiếp tục triển khai tích cực, có hiệu quả các nội dung tại Nghị định số 23/2020/NĐ-CP, ngày 24/02/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát sỏi, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông; Quyết định số 1695/QĐ-UBND, ngày 11/8/2021 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành phương án bảo vệ cát, sỏi lòng sông chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Đẩy nhanh tiến độ khoanh định khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản để phục vụ các công trình sử dụng vốn ngân sách Nhà nước; các công trình khắc phục thiên tai, địch họa; công trình phúc lợi thuộc chương trình nông thôn mới,... Tiến hành đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với các mỏ đất thương mại, phục vụ các dự án ngoài đầu tư công./.