Thực hiện Chỉ thị số 41 - CT/TU, ngày 09/5/2018 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng đã tổ chức hội nghị quán triệt, phổ biến, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn. Bên cạnh đó, các cơ quan báo chí, truyền thông chú trọng công tác tuyên truyền, nêu gương các mô hình, điển hình tốt, cách làm hay, đồng thời lên án, phê phán những hành vi, biểu hiện tiêu cực, nhất là lĩnh vực có liên quan mật thiết đến văn hóa, phong tục, tập quán, truyền thống, đạo lý tốt đẹp của dân tộc; qua đó, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, đạo đức, lối sống trong đời sống xã hội. Trong 5 năm (2018 - 2022), toàn tỉnh tổ chức 73 đợt tuyên truyền bằng xe lưu động; treo 909 lượt băng rôn, khẩu hiệu; 100% xã, phường,thị trấn tổ chức tuyên truyền trên hệ thống loa truyền thanh về nội dung thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội. Cùng với đó, Ban công tác Mặt trận các khu dân cư, tổ dân phố giữ vai trò nòng cốt tuyên truyền, vận động, phổ biến, thực hiện nghiêm nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và Nhân dân.
Tại trụ sở Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn và các nhà văn hóa xóm, bản, tổ dân phố đều có tủ sách pháp luật, tạo điều kiện cho thanh niên tìm hiểu, tiếp cận các tài liệu liên quan đến Luật Hôn nhân và Gia đình, trang bị kiến thức sức khoẻ sinh sản,... Nhiều nhà văn hóa là địa điểm để tổ chức lễ cưới góp phần hạn chế việc sử dụng lòng đường, hè phố gây mất an toàn giao thông. Giai đoạn 2018 - 2022, trên địa bàn tỉnh có 20.030 đám cưới được tổ chức, trong đó có 19.582 đám cưới thực hiện theo nếp sống văn hóa (chiếm 97,76%). Tình trạng tảo hôn giảm qua các năm.
Nếp sống văn minh trong việc tang có nhiều chuyển biến tích cực. Các nội dung trong quy định như: Thời gian tổ chức đám tang, thủ tục, nghi lễ tổ chức tang lễ,… đảm bảo thực hiện trang nghiêm, gọn nhẹ, tiết kiệm, tương trợ, đoàn kết cộng đồng, phù hợp với phong tục, tập quán của từng dân tộc, hoàn cảnh của gia đình và hương ước, quy ước tại cộng đồng dân cư. 100% các đám tang thực hiện quàn ướp, khâm liệm thi hài đảm bảo theo Thông tư số 02/2009/TT-BYT, ngày 26/5/2009 của Bộ Y tế hướng dẫn vệ sinh trong hoạt động mai táng và hỏa táng. Số đám tang thực hiện hoả táng ngày càng tăng. Các tuần tiết trong và sau tang lễ (3 ngày, 10 ngày, 49 ngày, 100 ngày,…) được tổ chức trong nội bộ gia đình, không phô trương, lãng phí; bỏ thời gian để tang kéo dài 3 năm, tạo điều kiện cho gia đình có người thân qua đời có thể sớm được tham gia các hoạt động tín ngưỡng, cưới hỏi,… Các thủ tục lạc hậu, rườm rà, mê tín dị đoan cơ bản bị xóa bỏ. Từ năm 2018 đến năm 2022, trên địa bàn tỉnh có 19.539 đám tang; trong đó, 19.359 đám tang thực hiện theo nếp sống văn minh (chiếm 99,07%); tổng số đám tang được hoả táng là 3.950 (chiếm 20,4%), riêng thành phố Hòa Bình, số đám tang hoả táng chiếm 82%.
Bên cạnh đó, Các lễ hội được tổ chức từ cấp tỉnh, huyện, đến cấp xã đều chấp hành nghiêm túc quy chế tổ chức lễ hội, bảo tồn và phát huy được giá trị văn hóa dân gian truyền thống của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh; bảo đảm tính trang nghiêm, phù hợp với quy mô, giữa phần lễ và phần hội; an ninh, an toàn cho người dân và du khách tham gia lễ hội được đảm bảo. Việc tổ chức lễ hội đã đi vào nền nếp và theo hướng xã hội hóa ngày càng cao. Hằng năm, ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc ở các khu dân cư được tổ chức đảm bảo tiết kiệm, trang trọng, hiệu quả. Trong ngày hội, đã biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích thực hiện nếp sống văn minh, gia đình văn hóa, trong xây dựng Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư và Phong trào Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh. Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU, toàn tỉnh có 2.562 gương người tốt, việc tốt tiêu biểu trên các lĩnh vực; hằng năm, có 20% trên tổng số gia đình toàn tỉnh được tặng giấy khen tiêu biểu; trên 80% khu dân cư đạt Khu dân cư văn hóa, trong đó có nhiều khu dân cư tiêu biểu được khen thưởng; 98% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp phát động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hưởng ứng Phong trào Xây dựng cơ quan, đơn vị văn hóa; qua bình xét hằng năm, có trên 90% cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt các tiêu chí văn hóa.
Công tác kiểm tra, giám sát đảm bảo thường xuyên; kịp thời phát hiện, biểu dương những mô hình, điển hình tiên tiến; đồng thời phê phán, uốn nắn những biểu hiện lệch lạc trong quá trình triển khai thực hiện chỉ thị. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh từng bước cải thiện, các hủ tục, mê tín dị đoan cơ bản được loại bỏ; bản sắc, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp trong việc cưới, việc tang, lễ hội của Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình ngày càng được phát huy, góp phần xây dựng con người thời kỳ mới tiến bộ, văn minh, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững./.