Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá được phát động rộng rãi, tác động vào ý thức tự giác, nêu cao vai trò làm chủ của cán bộ, đảng viên trong xây dựng và vận động người thân, gia đình thực hiện các tiêu chuẩn về nếp sống văn minh, gia đình văn hoá. Các nghi thức trong việc cưới, việc tang, lễ hội cơ bản đã đi vào nề nếp, tổ chức theo đúng quy định của pháp luật, theo quy ước, hương ước của cộng đồng dân cư, đảm bảo thực hành tiết kiệm và lành mạnh. Cùng với sự phát triển về kinh tế - xã hội, đời sống vật chất và tinh thần của người lao động từng bước được nâng lên; các hủ tục, mê tín dị đoan cơ bản được loại bỏ; bản sắc văn hóa, giá trị truyền thống tốt đẹp trong việc cưới, việc tang, lễ hội ngày càng được giữ gìn và phát huy. Các cấp ủy đã tăng cường công tác tuyên truyền phổ biến về việc cưới trong cán bộ, công chức, người lao động. Việc cưới cần được tổ chức trang trọng, vui tươi, lành mạnh, phù hợp với phong tục, tập quán tốt đẹp của dân tộc. Các thủ tục như chạm ngõ, lễ hỏi, rước dâu cần được tổ chức đơn giản và gọn nhẹ. Trang trí lễ cưới và trang phục cô dâu, chú rể phải lịch sự, phù hợp với truyền thống văn hóa dân tộc. Tổ chức ăn uống cần tiết kiệm, không kéo dài nhiều ngày và phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Đăng ký kết hôn và trao giấy chứng nhận kết hôn phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Tổ chức lễ cưới và đưa đón dâu phải đảm bảo đúng pháp luật về an toàn giao thông và trật tự công cộng. Khuyến khích tổ chức các hình thức tổ chức đám cưới như: Báo hỷ thay cho mời dự tiệc cưới; tổ chức tiệc trà thay cho tổ chức tiệc mặn tại gia đình, hội trường cơ quan, nhà văn hóa ở khu dân cư… và không hút thuốc lá tại nơi tổ chức đám cưới… Tuyên truyền phổ biến về việc tang trong cán bộ, công chức, người lao động.
Bên cạnh đó, tuyên truyền việc tham gia lễ hội và các sinh hoạt tín ngưỡng. Tôn trọng các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo bình thường của mọi công dân trên địa nơi cư trú. Tổ chức lễ hội theo đúng quy định của Trung ương, Bộ văn hóa, Thể thao và du lịch, của tỉnh và địa phương nơi cư trú. Cán bộ đảng viên, công chức, người lao động trong các cơ quan… gương mẫu thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; đồng thời vận động gia đình, cộng đồng dân cư nghiêm túc thực hiện; không phô trương lãng phí. Nghiêm cấm sử dụng phương tiện công và thời gian trong giờ hành chính của cơ quan để đi dự đám cưới, lễ hội; không sử dụng công quỹ, tài sản công để làm quà mừng cưới phục vụ mục đích cá nhân. Nhận thức rõ việc tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa có ý nghĩa thiết thực đối với mỗi gia đình và cộng đồng, trong thời gian qua các cấp ủy đã làm tốt việc tuyên truyền vận động; thực hiện có hiệu quả việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa đã đem lại sự đoàn kết, gần gũi, chia sẻ, giúp đỡ nhau giữa cán bộ, đảng viên và gắn với các hoạt động ở khu dân cư nơi cư trú.
Hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành của các cấp chính quyền, sự phối hợp của các ban, ngành đoàn thể trong tổ chức, triển khai thực hiện Chỉ thị số 41-CT/TU. Ban Thường vụ đã lãnh đạo các cơ quan quản lý trong lĩnh vực văn hóa – xã hội chủ động xây dựng, tham mưu các giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém trong thực hiện nếp sống văn hoá, văn minh, thực hành tiết kiệm đối với việc cưới, việc tang, lễ hội, bài trừ mê tín, dị đoan. Công nhận 40 lễ hội truyền thống trên địa bàn tỉnh Hòa Bình; đề nghị phong tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú”. Chủ động triển khai xây dựng và nhân rộng các mô hình tổ chức cưới hỏi, tang lễ văn minh, tiết kiệm; những điển hình tiên tiến, mô hình tiêu biểu về nếp sống văn minh, gia đình văn hoá, giữ gìn thuần phong mỹ tục của dân tộc; gắn với việc ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái, đạo đức, lối sống. Hiệu quả, chất lượng hoạt động phong trào ở cơ sở, công nhận các danh hiệu cơ quan văn hoá trong cán bộ, đảng viên. Lãnh đạo công tác sơ kết, tổng kết, biểu dương khen thưởng và kiểm tra, giám sát việc thực hiện Chỉ thị 41-CT/TU gắn với việc kiểm tra, giám sát thực hiện nhiệm vụ chính trị hàng năm ở các cấp ủy cơ sở./.