DetailController

Sức khỏe - Đời sống

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc phát triển y, dược cổ truyền

18/06/2024 15:49
Cùng với sự phát triển của kinh tế, xã hội, nhu cầu khám, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe Nhân dân ngày càng cao, việc nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh nói chung, khám chữa bệnh theo phương pháp y dược cổ truyền luôn được quan tâm, với lợi thế là tỉnh miền núi, nhiều vùng có điều kiện tiểu khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sinh trưởng, phát triển của một số loại cây dược liệu nên tỉnh Hòa Bình là nơi có nguồn dược liệu dồi dào, quý hiếm.
Ở tuyến tỉnh, Bệnh viện Y học cổ truyền là bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền duy nhất trên địa bàn tỉnh với 80 giường bệnh kế hoạch, 200 giường bệnh thực kê

Trong những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền và Nhân dân nhận thức được vai trò, vị trí của y, dược cổ truyền trong chăm sóc sức khỏe được nâng cao. Việc kết hợp giữa y học hiện đại với y học cổ truyền trong khám và điều trị được các cơ sở y tế chú trọng, quan tâm. Hội Đông y các cấp đã tích cực triển khai nhiều hoạt động tuyên truyền, bảo tồn, phát huy các giá trị của y, dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh. Một số địa phương trong tỉnh đã hình thành các vùng trồng cây dược liệu, khẳng định được lợi thế so với các loại cây trồng khác. Bên cạnh đó tỉnh Hòa Bình có rất nhiều lương y có những bài thuốc dân gian, gia truyền đã được đưa vào áp dụng chữa bệnh rất hiệu quả, góp phần vào sự phát triển nền Đông y và Hội Đông y, của ngành Y tế tỉnh Hòa Bình. Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm quý trong việc sử dụng các bài thuốc, vị thuốc từ các loại cây cỏ, hoa lá, củ quả để phòng và chữa bệnh.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 54 - CT/TU ngày 09/5/2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc phát triển y, dược cổ truyền trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, việc lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh phát triển y, dược cổ truyền đã có chuyển biến tích cực; bước đầu hình thành thói quen sử dụng thuốc đông y khi mắc các bệnh thông thường trong Nhân dân. Công tác đào tạo, tuyển dụng y, bác sĩ chuyên khoa y học cổ truyền được quan tâm ở tất cả các tuyến. Tỷ lệ bệnh nhân khám và điều trị bằng y học cổ truyền hoặc kết hợp giữa y học cổ truyền với y học hiện đại dần được nâng cao. Công tác quản lý, bảo tồn dược liệu trong tự nhiên đã nhận được sự quan tâm, đầu tư của chính quyền địa phương; hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm.

Công tác tuyên truyền, quán triệt, phổ biến sâu rộng chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về y, dược cổ truyền nhằm nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền và của Nhân dân về vai trò, tầm quan trọng của y, dược cổ truyền trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân tiếp tục được đẩy mạnh. Tuyên truyền, vận động hội viên các cấp Hội Đông y thực hiện tốt Điều lệ Hội Đông y Việt Nam; 12 điều Y đức, 10 điều Dược đức của Bộ Y tế, 9 điều Y huấn của Hải Thượng Lãn Ông.

Cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh, khoa y học cổ truyền trong các Trung tâm Y tế các huyện, thành phố, phòng khám đa khoa, phòng chẩn trị y học cổ truyền, dịch vụ y học cổ truyền và trạm y tế xã, phường, thị trấn được quan tâm đầu tư đã góp phần tăng tỷ lệ người bệnh được điều trị kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại, đặc biệt đối với tuyến xã. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, y đức cho đội ngũ cán bộ, y bác sĩ y học cổ truyền trong các cơ sở khám chữa bệnh công lập và các phòng chẩn trị tư nhân.

Đến nay, hệ thống khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền từ tuyến tỉnh đến cơ sở cơ bản hoàn thiện. Tuyến tỉnh gồm: Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh là bệnh viện chuyên khoa y học cổ truyền duy nhất trên địa bàn tỉnh, là bệnh viện hạng II có tổng số 80 giường bệnh kế hoạch, 200 giường bệnh thực kê. Bệnh viện đa khoa tỉnh có khoa y học cổ truyền 15 giường bệnh kế hoạch, 36 giường bệnh thực kê. Tuyến huyện: 100%  các Trung tâm y tế  thành lập khoa Y học cổ truyền - phục hồi chức năng. Tuyến xã: Có 139/151 Trạm y tế xã có hoạt động khám chữa bệnh bằng y học cổ truyền, chiếm 92%; thiết lập hệ thống mạng lưới quản lý y dược cổ truyền. Ngoài ra, toàn tỉnh có 57 cơ sở hành nghề y dược học cổ truyền tư nhân được cấp phép hoạt động, trong đó có 06 phòng khám đa khoa tư nhân kết hợp y học cổ truyền với y học hiện đại; 28 phòng chẩn trị y học cổ truyền; 23 cơ sở chữa bệnh bằng bài thuốc gia truyền; 03 cơ sở dịch vụ y học cổ truyền; 14 doanh nghiệp dược tham gia cung ứng thuốc thành phẩm y học cổ truyền hoặc vị thuốc y học cổ truyền phục vụ nhu cầu thuốc đông y, thuốc từ dược liệu  trong chăm sóc sức khỏe Nhân dân.

Hội Đông y các cấp được củng cố, kiện toàn tổ chức, phát triển hội viên. Thực hiện tốt công tác kế thừa các bài thuốc gia truyền của gia đình, dòng họ có tác dụng tốt trong công tác phòng bệnh, chữa bệnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 10  Ban chấp hành Hội Đông y huyện, thành phố, 145/151 Chi hội và Hội Đông y xã, phường trực thuộc Hội Đông y các huyện, thành phố, 06 Chi hội Đông y trực thuộc Tỉnh hội; có 1.579 hội viên được Trung ương Hội Đông y cấp thẻ Hội viên (tăng 32 hội viên so với năm 2019).

Công tác quản lý việc khai thác nguồn dược liệu trong tự nhiên gắn với quan tâm tái sinh các loại dược liệu quý đang có nguy cơ cạn kiệt được tăng cường. Bước đầu thực hiện có hiệu quả Dự án “Quy hoạch phát triển cây dược liệu trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; đồng thời khuyến khích các tập thể, cá nhân đầu tư phát triển các vùng chuyên canh cây dược liệu; ưu tiên các dự án sản xuất, chế biến, bảo quản dược liệu và các dịch vụ khác gắn liền với phát triển y, dược cổ truyền của tỉnh. Tăng cường quản lý chất lượng dược liệu, thuốc cổ truyền trong quá trình trồng, sản xuất, kinh doanh và sử dụng. Đến nay, toàn tỉnh đã có trên 2,1 nghìn ha cây dược liệu, hương liệu hàng năm được trồng và khai thác.

Thời gian tới, để tiếp tục phát triển y, dược cổ truyền,  tỉnh cần nâng cao năng lực khám, chữa bệnh y dược cổ truyền tại các cơ sở y tế. Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bằng đông y, nhất là việc kết hợp đông y với y học hiện đại. Khắc phục các tồn tại, hạn chế, vướng mắc trong phát triển đông y và Hội Đông y các huyện, thành phố. Thực hiện cơ chế, chính sách phát triển y dược cổ truyền. Xác định và triển khai các nhiệm vụ cụ thể trong công tác quản lý Nhà nước của ngành y tế đối với sự bảo tồn, phát triển nền đông y. Có cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế và tăng cường ngân sách đầu tư cho hoạt động nuôi trồng các cây, chế biến dược liệu. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Khuyến khích người dân và tổ chức tham gia tích cực vào hoạt động phát triển nền đông y để bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân trên địa bàn. Phát triển và hoàn thiện tổ chức Hội Đông y, đẩy mạnh hoạt động của Hội Đông y và các tổ chức đông y ở các cấp. Xây dựng đội ngũ thầy thuốc đông y đông đảo về số lượng, giỏi về chuyên môn và trong sáng về y đức, để Hội thực sự đóng vai trò nòng cốt trong sự nghiệp phát triển nền đông y huyện nhà, góp phần vào sự nghiệp chăm sóc sức khoẻ Nhân dân và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh…/.