của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc ban hành Đề án “Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong việc nâng cao hiệu quả công tác dân số tỉnh Hòa Bình”, cùng với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, nhận thức của lãnh đạo địa phương cũng như của người dân được nâng cao; Quy mô gia đình nhỏ có từ 1 - 2 con ngày càng rộng rãi, chất lượng dân số từng bước tăng lên.
Công tác dân số của tỉnh tiếp tục duy trì và giữ vững các kết quả đã đạt được, hoàn thành nhiều chỉ tiêu, mục tiêu đề ra như: tiếp tục giảm sinh; tỷ lệ phát triển dân số tự nhiên ổn định ở mức khoảng 1%; tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng biệp pháp tránh thai hiện đại đạt trên 72%, tỷ số giới tính khi sinh giảm hàng năm, đã ra khỏi nhóm các tỉnh có mức chênh lệch giới tính khi sinh cao, về gần bằng mức trung bình của cả nước; các trường hợp tảo hôn giảm qua các năm; chất lượng cuộc sống dần được nâng lên, tuổi thọ trung bình của người dân đạt xấp xỉ 73 tuổi. Các mô hình, đề án, dự án nâng cao chất lượng dân số tiếp tục được duy trì triển khai. Những kết quả đạt được trên lĩnh vực dân số đã góp phần giảm nghèo, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh chính trị, an sinh xã hội, tạo cơ hội cho người dân tiếp cận thuận tiện, hiệu quả hơn các dịch vụ y tế, giáo dục, việc làm và các dịch vụ xã hội khác.
Có 02 chỉ tiêu trong Quyết định 545 đã thực hiện được là: Giảm tốc độ gia tăng tỷ số chênh lệch giới tính khi sinh, tỷ số giới tính khi sinh < 115 nam/100 nữ vào năm 2020...: Đạt mục tiêu. Tỷ số giới tính khi sinh toàn tỉnh giảm từ 115,1 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2017) xuống 112,1 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2020) và 111,6 trẻ nam/100 trẻ nữ (năm 2021). Năm 2020 có 55%, đến năm 2025 đạt 100% vị thành niên, thanh niên hiểu biết cơ bản về một số vấn đề dân số - kế hoạch hóa gia đình như các biện pháp tránh thai, tác hại của tảo hôn, tư vấn và khám sức khỏe tiền hôn nhân.
Tuy nhiên, còn 03 chỉ tiêu chưa đạt về: Đến năm 2020, tỷ lệ phụ nữ sinh con thứ 3 trở lên ≤ 5%; giữ vững mức sinh thay thế, duy trì số con trung bình của phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ≤ 2,1 con; Đến năm 2025, phấn đấu tỷ lệ tảo hôn của tỉnh Hòa Bình ở mức bình quân chung của toàn quốc; Đến năm 2020 có 30% và năm 2025 có 70% cặp kết hôn được xét nghiệm gen ẩn bệnh tan máu bẩm sinh và tư vấn phòng bệnh cho thế hệ sau.
Nhìn chung, công tác truyền thông, giáo dục về dân số ở một số khu vực, nhóm đối tượng hiệu quả chưa cao; nội dung truyền thông, cung cấp dịch vụ chưa toàn diện, vẫn chủ yếu tập trung vào kế hoạch hoá gia đình. Đội ngũ cán bộ làm công tác dân số ở cơ sở có nhiều thay đổi, thường xuyên biến động. Một số địa phương, tình trạng cộng tác viên dân số không mặn mà với công việc đã bỏ việc ảnh hưởng lớn tới việc triển khai các hoạt động tại cộng đồng. Tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tăng qua các năm, trong đó có nhiều cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên sinh con thứ 3 trở lên đã gây khó khăn trong việc tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chính sách dân số. Tình trạng tảo hôn vẫn xảy ra tại các địa phương trong tỉnh.
Để từng bước nâng cao chất lượng dân số của tỉnh góp phần xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội trong những năm tiếp theo, việc tiếp tục tập trung thực hiện hiệu quả Quyết định số 545- QĐ/TU, trong thời gian tới, cấp ủy, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể các cấp cần triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, sự tham gia vào cuộc của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể đối với công tác dân số nói chung, các vấn đề: tảo hôn, sinh con thứ 3, mất cân bằng giới tính khi sinh và bệnh tan máu bẩm sinh nói riêng; Tăng cường và nâng cao hiệu quả các hoạt động tuyên truyền, giáo dục về dân số, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và hành động trong triển khai công tác dân số của cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp và nhân dân để nắm được vai trò việc nâng cao chất lượng dân số đối với sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội. Huy động sự tham gia, vào cuộc của các cấp, các ngành, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan thông tin đại chúng trong công tác phối hợp tuyên truyền chính sách dân số.
Nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về công tác dân số góp phần giảm tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3, mất cân bằng giới tính khi sinh và bệnh tan máu bẩm sinh. Tiếp tục củng cố, kiện toàn bộ máy tổ chức cán bộ làm công tác dân số các cấp. Phát huy vai trò của ban chỉ đạo công tác dân số các cấp; vai trò thường trực của ngành y tế. Tăng cường sự phối hợp thực hiện công tác dân số theo quy chế làm việc của ban chỉ đạo công tác dân số các cấp. Đẩy mạnh xã hội hóa dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Tuyên truyền vận động, cung cấp thông tin tạo môi trường xã hội đồng thuận để thúc đẩy, phát triển thị trường phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản. Mở rộng tiếp cận các dịch vụ sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình và các dịch vụ có liên quan, phát triển mạng lưới dịch vụ kế hoạch hóa gia đình. Các cấp, các ngành tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để kịp thời phát hiện và chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế nhằm đảm bảo thực hiện có hiệu quả chính sách dân số. Phát hiện và kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm chính sách dân số - kế hoạch hóa gia đình, đặc biệt là cán bộ, đảng viên vi phạm để đảm bảo tính răn đe, giáo dục./.