DetailController

Khoa học - Môi trường

Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh

20/11/2019 00:00
Để tăng cường công tác bảo vệ môi trường trong lĩnh vực chăn nuôi, không ngừng cải thiện chất lượng môi trường, đảm bảo thực thi có hiệu quả các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, ngày 15/11/2019, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị số 55-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy đảng trong công tác quản lý chất thải phát sinh từ hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình. Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tập trung thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tậm, đó là:

Tiếp tục quán triệt, triển khai thực hiện Luật Bảo vệ môi trường năm 2014; Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 18 tháng 3 năm 2013 của Chính phủ về một số vấn đề cấp bách trong lĩnh vực bảo vệ môi trường; Chỉ thị số 25/CT-TTg ngày 31 tháng 8 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách về bảo vệ môi trường.

Đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo vệ môi trường, nhằm nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân đang hoạt động chăn nuôi trên địa bàn tỉnh; đẩy mạnh công tác xã hội hóa, khuyến khích sự tham gia của cộng đồng trong công tác bảo vệ môi trường. Gắn công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi với công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kịp thời phát hiện và nêu gương các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình điển hình tích cực có các mô hình tốt về bảo vệ môi trường trong hoạt động chăn nuôi.

Nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội từ tỉnh đến cơ sở trong công tác quản lý, bảo vệ môi trường; chỉ đạo thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động bảo vệ môi trường của các cơ sở chăn nuôi. Kịp thời phát hiện và xử lý các vấn đề an ninh trật tự - an toàn xã hội phát sinh từ các hoạt động chăn nuôi trên địa bàn.

Ban cán sự Đảng Ủy ban nhân dân tỉnh lãnh đạo các cơ quan, đơn vị chức năng tập trung thực hiện các giải pháp: Nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh; xây dựng, rà soát, điều chỉnh các quy hoạch kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành - lĩnh vực đảm bảo phát triển hài hòa; gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo vệ môi trường; Quy hoạch các khu vực chăn nuôi tập trung quy mô lớn, giảm dần các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ gần khu dân cư gây ô nhiễm môi trường. Có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển, tạo điều kiện cho các chủ trang trại đầu tư chiều sâu; quy hoạch vùng chăn nuôi gắn liền với hỗ trợ đầu tư hạ tầng, phục vụ phát triển sản xuất; tăng cường công tác đào tạo, tổ chức tập huấn nâng cao năng lực tổ chức quản lý cho các chủ trang trại, gia trại,…Thực hiện tổng điều tra, đánh giá các nguồn thải trong chăn nuôi trên phạm vi toàn tỉnh; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu cấp tỉnh về nguồn thải trong chăn nuôi. Hằng năm bố trí kinh phí cho công tác bảo vệ môi trường trong chăn nuôi như: Hỗ trợ, khuyến khích các hộ chăn nuôi ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quy trình chăn nuôi để giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tăng cường công tác giám sát, công tác thanh tra, kiểm tra đối với các cơ sở chăn nuôi. Kịp thời đấu tranh ngăn chặn, xử lý nghiêm các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường. Kiên quyết đình chỉ hoạt động của các cơ sở chăn nuôi gây ô nhiễm môi trường, tái phạm nhiều lần; thực hiện di dời các cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu dân cư.

Nâng cao chất lượng thẩm định, phê duyệt, xác nhận  hồ sơ môi trường các dự án chăn nuôi, nhất là các dự án thuộc thẩm quyền của Ủy ban nhân dân cấp huyện. Kiểm soát chặt chẽ có xem xét hạn chế cấp phép đầu tư các dự án chăn nuôi mới, chỉ chấp thuận cho dự án hoạt động chính thức khi đã xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường; yêu cầu các cơ sở chăn nuôi phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt quy chuẩn môi trường quốc gia trước khi thải ra môi trường. Ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào xử lý và khai thác nguồn chất thải phát sinh trong chăn nuôi để vừa giải quyết vấn đề môi trường chăn nuôi bền vững, vừa tạo ra nguồn phân bón hữu cơ chất lượng cao phục vụ cho phát triển nông nghiệp bền vững và hiệu quả. Tiếp tục kiện toàn hệ thống quản lý nhà nước về môi trường từ tỉnh đến cơ sở; bảo đảm ở cấp huyện có bộ phận quản lý môi trường, cấp xã có cán bộ phụ trách về công tác môi trường. Phân công, phân cấp trách nhiệm cụ thể, rõ ràng về quản lý nhà nước đối với công tác bảo vệ môi trường. Chú trọng tuyển dụng cán bộ được đào tạo đúng chuyên môn về môi trường, tạo điều kiện cho các cán bộ cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã thường xuyên được bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ.