Thực hiện Chỉ thị số 01- CT/TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy, các cấp ủy Đảng, chính quyền tỉnh đã đã tổ chức Hội nghị triển khai hoặc lồng ghép trong các Hội nghị của cấp mình đến cán bộ chủ chốt. Công tác tuyên truyền về các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình, Dân số - KHHGĐ; quy định của pháp luật về xử lý những trường hợp vi phạm và đưa ra những phương hướng, giải pháp nhằm giảm thiểu tình trạng tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên trên địa bàn tỉnh đã được các cơ quan, ban, ngành tổ chức linh hoạt qua nhiều kênh. Các xã, phường, thị trấn đã tổ chức các hội nghị truyền thông đến cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thông qua nhiều hình thức phù hợp với mỗi địa bàn; họp nhóm đối tượng nam/nữ trong độ tuổi sinh đẻ, thanh niên/vị thành niên, bà mẹ mang thai, hộ gia đình… Nội dung truyền thông tập trung vào thực hiện tốt các chính sách về dân số, các quy định của pháp luật về hôn nhân, gia đình, dân số và kế hoạch hóa gia đình, về xử lý những trường hợp vi phạm, về tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên… đặc biệt quan tâm vùng có nhiều trường hợp tảo hôn, sinh con thứ 3 trở lên, vùng đồng bào dân tộc ít người, vùng có mức sinh cao. Hệ thống Dân số - KHHGĐ huyện, thành phố đã phối hợp với các trường phổ thông trung học trên địa bàn để truyền thông, cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức và ý thức pháp luật về hôn nhân, gia đình, chính sách Dân số - KHHGĐ, các nội dung về chăm sóc SKSS/KHHGĐ… cho học sinh; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức tốt các đợt triển khai Chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh sản tại vùng có mức sinh cao, vùng khó khăn và vùng đông dân.
Bên cạnh đó, đã triển khai có hiệu quả các hoạt động góp phần nâng cao chất lượng dân số như: Các hoạt động về giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; giảm mắc bệnh tan máu bẩm sinh; giảm tảo hôn; sàng lọc trước sinh, sàng lọc sơ sinh; chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… đã nâng cao một bước về nhận thức, hiểu biết và ý thức trách nhiệm thực hành chăm sóc sức khỏe theo khoa học cho các nhóm đối tượng. Tại Bệnh viện đa khoa tỉnh đã thực hiện được xét nghiệm sàng lọc gen bệnh tan máu bẩm sinh (Thalasemia), tuy nhiên chủ yếu xét nghiệm cho những bệnh nhân nằm điều trị có bảo hiểm Y tế tại bệnh viện, những đối tượng có nhu cầu tự nguyện đến xét nghiệm sàng lọc để phòng bệnh chưa nhiều. Từ năm 2015 đến nay, Hòa Bình bắt đầu triển khai hoạt động sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia Dân số - KHHGĐ (nay là Chương trình mục tiêu Y tế - Dân số). Ngoài ra, trên các kênh xã hội hoá đã thực hiện: Sàng lọc trước sinh siêu âm cho thai phụ từ các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện và một số cơ sở y tế ngoài công lập.
Đồng thời, thực hiện khuyến khích, khen thưởng cho các tập thể và cá nhân có nhiều thành tích trong việc thực hiện tốt công tác Dân số - KHHGĐ như: Mô hình xã không có người sinh con thứ 3 trở lên trong nhiều năm (Từ 01 năm trở lên đến trên 15 năm); đơn vị, cá nhân xếp thứ hạng 1, 2, 3 trong công tác Dân số - KHHGĐ của tỉnh và Không xem xét các danh hiệu thi đua, đơn vị văn hóa và gia đình văn hóa trong năm đối với cơ quan, gia đình trực tiếp có người vi phạm về Chính sách Dân số - KHHGĐ; không xét các danh hiệu thi đua, nâng ngạch, quy hoạch, bổ nhiệm đối với một số đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức vi phạm.
Sau 05 năm thực hiện Chỉ thị, tình trạng tảo hôn giảm qua các năm: năm 2015: 516 trường hợp; năm 2016: 476; năm 2017: 399; năm 2018: 305; năm 2019: 255 và 6 tháng đầu năm 2020 là 71 trường hợp. Trong 2.022 trường hợp tảo hôn, có 96 trường hợp (chiếm 4,7%) đã xử lý vi phạm đối với người tổ chức lấy vợ, lấy chồng cho người chưa đủ tuổi kết hôn (96 trường hợp xử lý đều trong năm 2018, 2019 và 6 tháng đầu năm 2020)./.