DetailController

Thời sự trong ngày

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới

21/04/2022 00:00
Hiện nay, toàn tỉnh có 230.280 trẻ em (chiếm 26,54% dân số tỉnh). Có 4.620 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và 39.520 trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt.
Diễn đàn trẻ em được tổ chức nhằm huy động toàn xã hội chung tay bảo vệ quyền trẻ em trong tình hình mới

Thực hiện Chỉ thị số 20-CT/TW, ngày 05/11/2012 của Bộ Chính trị “về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng với công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em trong tình hình mới”, trong những năm qua, công tác chăm sóc, giáo dục và Bảo vệ trẻ em luôn được các cấp Ủy đảng, chính quyền, các Sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh quan tâm chỉ đạo, triển khai thực hiện nhằm tạo môi trường, điều kiện thuận lợi để trẻ em được đảm bảo các quyền cơ bản, được chăm sóc, học tập và vui chơi giải trí lành mạnh, thân thiện; trẻ em nghèo, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt trong toàn tỉnh được quan tâm chăm sóc và giúp đỡ; hỗ trợ, giải quyết, xử lý can thiệp kịp thời vấn đề xã hội bức xúc có liên quan đến trẻ em tại địa phương; cơ chế phối hợp liên ngành, liên cấp được thực hiện thường xuyên, đồng bộ và hiệu quả. Các hoạt động Bảo vệ trẻ em được theo dõi, đánh giá thực hiện ở cả 3 cấp độ: “phòng ngừa, can thiệp và trợ giúp”. Giảm thiểu số lượng trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt; tạo cho trẻ phát triển toàn diện cả về thể chất, tâm lý, tình cảm, nhận thức, đạo đức và xã hội. Nâng cao chất lượng cuộc sống của trẻ em, nhất là nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, đồng thời góp phần nâng cao nhận thức của gia đình, cộng đồng xã hội và chính bản thân các em về việc thực hiện các quyền của trẻ em, quyền được bảo vệ và an toàn của trẻ em, tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em.

          Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật, kiến thức, kỹ năng chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em được quan tâm, góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của gia đình, nhà trường, cơ quan, tổ chức và toàn xã hội trong việc bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong tình hình mới. Gia đình, cộng đồng xã hội đã có ý thức chủ động hơn với việc phòng ngừa xâm hại trẻ em, trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại và có nguy cơ bị xâm hại; hiểu biết được các biện pháp bảo vệ các em, phòng ngừa xâm hại trẻ em. Tích cực tham gia vào các hoạt động truyền thông, tập huấn nâng cao hiểu biết, kỹ năng bảo vệ trẻ em và tham gia vào các mô hình bảo vệ trẻ em dựa vào cộng đồng. Việc áp dụng các biện pháp hỗ trợ, can thiệp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em bị xâm hại được chú trọng hơn. Chế độ, chính sách của Nhà nước đối với trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em bị xâm hại, bạo lực, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, bị ảnh hưởng thiên tai, tai nạn rủi ro... được chi trả kịp thời. Công tác khám, chữa bệnh cho trẻ em dưới 6 tuổi được quan tâm. Công tác phổ cập tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập giáo dục được duy trì. Tổ chức các lớp dạy bơi phòng, chống đuối nước cho trẻ em trên địa bàn các huyện, thành phố. Triển khai hoạt động duy trì, vận hành, quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu, thu thập và cập nhập thông tin về trẻ em, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em có nguy cơ rơi vào hoàn cảnh đặc biệt tại các thôn, bản, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Thu thập và cập nhật cơ sở dữ liệu thông tin trẻ em vào sổ theo dõi trẻ em trong gia đình và phần mềm quản lý trẻ em của 151 xã, phường, thị trấn.

          Bên cạnh đó, công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn tồn tại một số khó khăn, hạn chế như: Công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách về trẻ em tại một số ít địa phương trong tỉnh chưa sâu rộng; nhận thức của một bộ phận người dân về vai trò, sự cần thiết của công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em còn hạn chế. Các hoạt động hướng dẫn, trang bị kỹ năng sống cho trẻ em còn ít, mới tập trung ở các vùng trung tâm. Môi trường cho thiếu nhi phát triển năng khiếu chưa được quan tâm đúng mức; số trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em nghèo cần được giúp đỡ trên địa bàn tỉnh vẫn cao. Tình trạng trẻ em bị xâm hại tình dục, trẻ em bị tai nạn thương tích vẫn còn xảy ra; chính sách hỗ trợ cho đội ngũ cán bộ và cộng tác viên thôn, bản kiêm nhiệm làm công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở cơ sở còn thấp. Trong thời gian tới, các Sở, ban, ngành, đoàn thể tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động phối hợp liên ngành về công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là công tác phòng ngừa, ngăn chặn hành vi bạo lực, xâm hại trẻ em. Thường xuyên củng cố, kiện toàn Ban Chỉ đạo bảo vệ, chăm sóc trẻ em các cấp. Xây dựng thành lập, chỉ định nhóm thường trực bảo vệ trẻ em cấp xã để tiếp nhận, xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; xây dựng, triển khai kế hoạch hỗ trợ, can thiệp theo quy định của Nghị định số 56/2017/NĐ- CP ngày 09/5/2017; Luật Trẻ em năm 2016. Xây dựng, thực hiện hoặc lồng ghép thực hiện các chính sách trợ giúp thực hiện các quyền trẻ em nói chung, ưu tiên chính sách trợ giúp có điều kiện cho các nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ em dân tộc thiểu số, trẻ em thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo. Lồng ghép vấn đề trẻ em trong hộ gia đình nghèo trong chính sách tiếp cận giảm nghèo đa chiều. Các chỉ tiêu về trẻ em được thể hiện trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp liên ngành trong quá trình chỉ đạo, tổ chức thực hiện các hoạt động về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em và phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em. Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho cán bộ làm công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em các cấp. Duy trì và nhân rộng mô hình thực hiện các quyền của trẻ em: Ngôi nhà an toàn, cộng đồng an toàn phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em; hỗ trợ và tái hòa nhập trẻ em vi phạm pháp luật; chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng HIV/AIDS; các mô hình thúc đẩy quyền của trẻ em như Diễn đàn trẻ em nhằm phát huy vai trò của trẻ em trong việc thực hiện các quyền và bổn phận của trẻ em. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện luật pháp, chính sách, chương trình về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Bảo đảm chế độ thông tin, báo cáo và vận hành hệ thống cơ sở dữ liệu về trẻ em. Cập nhật thông tin, phân tích, dự báo tình hình trẻ em và việc thực hiện các quyền trẻ em, kết quả các chương trình, dự án, kế hoạch về trẻ em từ huyện đến cơ sở.