Qua 5 năm, việc dồn điền, đổi thửa đã tác động tích cực đến sản xuất trồng trọt. Bước đầu khắc phục được tình trạng manh mún ruộng đất, số thửa đất nông nghiệp bình quân/hộ đã giảm từ 37-50% tại các địa phương triển khai thực hiện (trung bình từ 7-11 thửa, cá biệt có những hộ 21 thửa nay giảm còn bình quân 2,4-3,7 thửa và mỗi xứ đồng còn 1-2 thửa trên hộ sản xuất). Hình thành những thửa ruộng, cánh đồng lớn, kết hợp xây dựng đường giao thông, kênh mương nội đồng theo quy hoạch nông thôn mới tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thuận lợi cho việc tưới tiêu, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Tại huyện Kim Bôi đảm bảo 72% diện tích canh tác trồng trọt được tưới tiêu chủ động; 50% đường nội đồng được nâng cấp, kiên cố hóa. Xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn, tỷ lệ đường giao thông nội đồng được cứng hóa bằng bê tông đạt trên 90% tại khu dồn điền, đổi thửa; huyện Lương Sơn, tăng đầu tư thâm canh trên diện tích sau dồn điền đổi thửa giúp năng suất tăng bình quân từ 15 - 20%.
Sau dồn điền đổi thửa, việc tổ chức sản xuất, gieo trồng trên thửa đất mới thuận lợi, nhanh chóng, tạo động lực thúc đẩy cơ giới hóa và người nông dân gắn bó với đồng ruộng hơn, giảm được các chi phí nhân công. Tại huyện Lạc Thủy, việc dồn điển, đổi thửa cùng với đầu tư hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng đã giảm được trung bình 02 công lao động/sào đối với trồng lúa. Các xã Yên Trị, Ngọc Lương, huyện Yên Thủy người dân sử dụng máy lên luống phục vụ làm đất, gieo trồng cây màu giúp tiết kiệm thời gian, giảm chi phí trên 3 triệu đồng/ha so với phương pháp thủ công. Trong năm 2021, tỷ lệ cơ giời hóa trong khâu làm đất lúa của tỉnh đạt trung bình trên 90%; tỷ lệ cơ giới hóa khâu thu hoạch lúa trên 55%; bước đầu ứng dụng hiệu quả giải pháp sử dụng thiết bị bay không người lái (UAV) trong phòng trừ dịch hại cây trồng (sử dụng cho 832 ha lúa và 50 ha sắn).
Công tác dồn điền, đổi thửa bước đầu đã thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng góp phần nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích đất canh tác; trong đó diện tích đất trồng lúa kém hiệu quả đã được chuyển đổi sang các cây trồng có giá trị cao như cây nhãn, cây ổi, cây mía, cây ngô, cây rau mầu ngắn ngày. Giai đoạn từ 2019 - 2021, tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa toàn tỉnh đạt 6.759,97 ha. Một số mô hình, vùng chuyển đổi cơ cấu cây trồng từ đất trồng lúa đạt hiệu quả cao như: Chuyển đổi trồng các loại rau họ bầu bí (bí xanh, dưa chuột, rau lấy quả khác) tại huyện Kim Bôi, Yên Thủy, Lạc Thủy, Lạc Sơn cho thu nhập trung bình 120 – 150 triệu đồng/ha/vụ. Mô hình trồng nhãn thu nhập trên 250 triệu đồng/ha/năm; trồng mía thu nhập trên 200 triệu đồng/ha/năm. Việc dồn điền, đổi thửa còn thúc đẩy các địa phương kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn như: Mô hình gieo cấy giống lúa chất lượng cao J02 tại huyện Đà Bắc; mô hình chuỗi sản xuất dưa chuột xuất khẩu của Công ty TNHH Pacific, Công ty Hagimex,... đối với những diện tích đất trồng mầu, đất khác việc dồn điền, đổi thửa chủ yếu để chuyển đổi sang trồng các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như cây cam, bưởi, nhãn./.